Giá vàng tuần tới: 3 đòn bẩy đáng chú ý

Giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian qua được hỗ trợ bởi 3 yếu tố chính. Vậy giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

Giá vàng tuần tới: 3 đòn bẩy đáng chú ý
Giá vàng miếng SJC tuần này đã tăng vọt lên 82 triệu đồng/lượng.

Trong tuần này, giá vàng quốc tế tiếp tục tăng mạnh, từ mức 2.228 USD/oz lên tới mức 2.330 USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 2.328 USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của DOJI cũng đã tăng khá mạnh từ mức 80,7 triệu đồng/lượng lên tới mức 82 triệu đồng/lượng.

Theo nhiều chuyên gia, có 3 yếu tố chính đang khiến giá vàng tăng mạnh vượt quá kỳ vọng. Đó là nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương, việc cắt giảm lãi suất sắp tới của FED và các ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới, và cuối cùng là căng thẳng địa chính trị cực kỳ mạnh mẽ trên nhiều mặt trận, bao gồm xung đột Trung Đông và chiến sự Ukraine-Nga.

Trong số 3 yếu tố nói trên, mối lo ngại lớn nhất là căng thẳng địa chính trị gia tăng đáng kể liên quan đến cuộc xung đột ở Trung Đông vì Iran có thể sẽ trả đũa Israel vì quốc gia này bị nghi ngờ đánh bom Đại sứ quán Iran ở Syria. Điều này đã và đang làm gia tăng đáng kể vai trò trú ẩn của vàng. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng trung ương mua vàng cũng sẽ tạo thành đòn bẩy dài hạn đối với giá vàng, nhất là khi các ngân hàng trung ương của khối BRICS đang đẩy mạnh mua vàng để bảo đảm cho hệ thống thanh toán riêng của mình nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, khi các ngân hàng trung ương, nhất là FED bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất cơ bản của họ, thì giá vàng cũng sẽ được tiếp thêm sức bật.

Đáng chú ý, thị trường lao động của Mỹ trong tháng 3 bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ, với số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) đạt tới 303.000 việc làm, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo của Reuters là khoảng 200.000 việc làm. Điều này sẽ tiếp thêm động lực cho FED tiến tới cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 tới sau chuỗi dài tăng lãi suất.

Ông Robert Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Abrdn, cho biết trong lịch sử, khi FED cắt giảm lãi suất, thì giá vàng luôn tăng mạnh, cụ thể giá vàng đã tăng lần lượt là 57%, 235% và 69% trong các năm 2000, 2006 và 2018.

Tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá vàng quốc tế đã tăng khoảng 17% sau khi kiểm tra mức hỗ trợ ở mức 2.000 USD/ounce vào giữa tháng 2. Như vậy, so với các mức tăng nói trên, thì giá vàng quốc tế sẽ còn nhiều dư địa để tăng cao hơn nữa khi FED cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đáng lưu ý, đà tăng mạnh của giá vàng thường diễn ra trước khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Giá vàng tuần tới: 3 đòn bẩy đáng chú ý
Giá vàng quốc tế đã tăng vượt khỏi kênh tăng giá trung hạn

CPI và PPI tháng 3- dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, được công bố vào tuần tới cũng có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng tuần tới.

Theo dự báo, CPI tháng 3 của Mỹ sẽ tăng khoảng 0,2%. Theo nhiều chuyên gia, nếu số liệu này đúng như dự báo, hoặc thậm chí tăng dưới mức 0,3%, thì sẽ là tin tức tích cực đối với giá vàng tuần tới, vì số liệu này sẽ khiến kế hoạch cắt giảm lãi suất FED vào tháng 6 tới trở nên thuyết phục hơn. Ngược lại, nếu CPI tháng 3 tăng tới 0,4% hoặc cao hơn thì đó sẽ là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này khiến FED có thể tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất, tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đã tăng vượt ra khỏi kênh tăng giá trung hạn trên biểu đồ tuần là tín hiệu tích cực, cho thấy đà tăng giá vàng trong trung và dài hạn vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, các chỉ số RSI, Stochastic… đã ở vùng vượt mua. Điều này tiềm ẩn nguy cơ chốt lời đối với giá vàng trong ngắn hạn. Theo đó, các mức hỗ trợ quan trọng của giá vàng tuần tới ở 2.260- 2.204- 2.107 USD/oz. Trong khi đó, vùng 2.400 USD/oz sẽ là vùng kháng cự quan trọng.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button