Giá vàng nhẫn ngang giá vàng miếng, điều gì đang diễn ra?

Giá vàng nhẫn trên thị trường ngày 23/10 tăng đột biến, phá mọi cột mốc đã thiết lập trước đó; cũng “phá” luôn những “lý thuyết” về chênh lệch giá vàng miếng và giá vàng nhẫn.

Giá vàng nhẫn ngang giá vàng miếng, điều gì đang diễn ra?
Vàng nhẫn ngang giá vàng miếng, phá vỡ yếu tố “độc tôn” thương hiệu vàng SJC xét về giá trị. Ảnh minh họa

Chiều ngày 23/10, trong khi vàng miếng SJC vẫn đứng yên ở mức 87 triệu – 89 triệu đồng 2 chiều mua vàng – bán ra, thì giá vàng nhẫn SJC 4 số 9 loại 5 chỉ (SJC 99,99) đã tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục cũ và lập đỉnh mới ở mức 89,020 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng nhẫn DOJI cũng giao dịch 88-89 triệu đồng/ lượng mua vào – bán ra, tăng tới 1,3 triệu đồng so với ngày trước đó. Các thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý cũng bán vàng nhẫn 4 số 9 từ 88,98-89 triệu đồng/ lượng.

Vàng nhẫn tăng vượt mặt giá vàng miếng thương hiệu SJC, đã phá vỡ “lý thuyết” giá vàng miếng tất yếu đắt hơn. Cơ sở của “lý thuyết” này là để phân phối vàng miếng độc quyền thương hiệu quốc gia, các công ty phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh, do đó mạng lưới phân phối hẹp, chi phí phân phối tính vào giá cao hơn… ; hay nói cách khác việc kinh doanh vàng nhẫn ít điều kiện, dễ dàng hơn, thì giá cả thấp hơn.

Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng của vàng nhẫn, cũng thường được cho là tính bảo chứng thấp hơn do có thể không tuân thủ/ ràng buộc theo tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia mà thường chỉ được dập kí hiệu theo các đơn vị kinh doanh phân phối vàng trang sức ở bên trong…, chưa kể là vàng nhẫn kém tính thanh khoản, “mua đâu bán đó” mới được giá cao, nên giá khó có thể so sánh ngang bằng với vàng miếng SJC.

Nhưng với diễn biến của giao dịch mới, “lý thuyết” này nay đã không phù hợp. Vậy điều gì đang xảy ra?

Thứ nhất, giá vàng nhẫn tăng trên thị trường đang cho thấy mặt hàng vàng nhẫn dường như có sự “liên thông” nhất định với thị trường quốc tế khi mức tăng nhanh, biến động đột biến theo cùng nhịp tăng của giá vàng quốc tế (giao dịch trên mốc 2.735 USD/oz, theo phiên 23/10).

Giá vàng nhẫn ngang giá vàng miếng, điều gì đang diễn ra?
Diễn biến giá vàng SJC loại 5C trong 1 tháng qua.

Do khoảng cách định giá của vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn từ trước đó, nên sau nhiều phiên đi ngang, dù vàng miếng SJC cũng đã tăng lên sát ngưỡng 90 triệu đồng/ lượng của trước đây, thì khoảng biến động trong nhịp tăng này không cao.

Thứ hai, điều này phản ánh rằng vàng miếng được cơ quan quản lý tiền tệ ngoại hối “định giá” và phân phối theo hướng “bình ổn”, phần nào nhòe đi đặc trưng về tính thanh khoản tốt hơn của vàng miếng. Mặc dù thị trường không ghi nhận “sốt” vàng nhẫn ở quãng giá cao song có thể nói đặc trưng này nay đã chuyển sang vàng nhẫn khi việc tiếp cận giao dịch mua bán dễ hơn, đặc biệt là khi tính đảm bảo giảm lỗ tốt hơn. Điều này có thể thấy rõ như trong phiên ngày 23/10, giá mua vàng nhẫn của các doanh nghiệp lớn trên thị trường cao hơn giá mua vàng miếng SJC từ 900.000 đồng – 1 triệu đồng/lượng. Có nghĩa nếu khách hàng mua vàng nhẫn và bán lại sẽ lỗ ít hơn vàng miếng 1 triệu đồng/lượng.

Thứ ba, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, Quốc hội khoá XV (lĩnh vực ngân hàng), cơ quan quản lý cho biết, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát với biên độ phù hợp.

Thực tế minh chứng cho điều này. Với biến động nhanh của giá vàng nhẫn lên giá vàng miếng như hiện tại, giá vàng trong nước nói chung, so với với giá giao dịch trên thị trường vàng quốc tế, quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, chênh lệch hiện chỉ còn dao động 4-5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm. Không thể phủ nhận thị trường vàng cơ bản có sự ổn định trở lại, góp sức cho sự ổn định của tỷ giá và hỗ trợ cho điều hành của NHNN. Đây cũng là điểm sáng của cơ chế “định giá” và “bình ổn” giá – phân phối vàng miếng SJC, đi cùng là đã kéo khoảng cách giữa vàng miếng và vàng nhẫn sau nhiều năm có chênh lệch cao, nay đã ngang nhau.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vậy việc ổn định dựa trên các giải pháp này sẽ kéo dài được bao lâu, đặc biệt đặt trong bối cảnh xu hướng chung của giá vàng vẫn đang được dự báo sẽ còn tăng cao, thậm chí có tổ chức dự báo vàng sẽ lên mốc 3.000 USD/oz vào 2025? Cùng với đó, nếu giá vàng miếng vẫn được giữ bình ổn, thì theo đà “liên thông” nhịp tăng, liệu vàng nhẫn có “vượt mặt” giá vàng thương hiệu quốc gia, qua đó phá vỡ giá trị của giải pháp tình thế để lại hình thành kênh hút tiền, hút ngoại tệ đổ vào?

Có thể thấy là những giải pháp tình thế luôn có rủi ro trở nên bị động nếu thị trường biến động mạnh. Do đó, mong mỏi của thị trường vẫn là cơ quan quản lý cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Một gợi ý đáng lưu ý nhìn từ hiện tại, là những diễn biến cho thấy thị trường đang không còn giữ “độc tôn” giá trị thương hiệu vàng miếng như trước nữa.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button