Giá trị nội địa hóa lĩnh vực điện gió, điện mặt trời đến 2050 đạt 80 tỷ USD
“Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 – lần thứ 6” với chủ đề Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối với Bộ Công Thương và Bộ kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức tổ chức tại Hà nội, theo ước tính trong giai đoạn từ 2025-2050 giá trị nội địa hóa lĩnh vực điện gió, điện mặt trời đạt 80 tỷ USD với tỷ lệ nội địa hóa đến 65%.
Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ cấu nguồn điện được điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, tỷ trọng về sản lượng điện của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn điện chiếm khoảng 30,9 -39,2% năm 2030 và từ 67,5-71,5% năm 2050.
Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 80.704 MW, trong đó tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 21.627 MW chiếm tỷ trọng 27% (điện gió 6% và điện mặt trời 21%).
Để thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cầu nguồn điện cần có chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, thu hút các nguồn lực trong nước để đầu tư, đổi mới công nghệ tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực này. Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp, thực hiện các chính sách thuế ưu đãi để tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt nam trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc CASE tại Việt Nam thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, Việt nam có tiềm năng lớn phát triển nội địa hóa trong ngành năng lượng tái tạo bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời. Theo ước tính trong giai đoạn 2025-2050 giá trị thị trường điện gió và điện mặt trời đạt 160 tỷ USD tương đương mức 1,02% GDP của Việt Nam bao gồm cả 3 công đoạn đoạn phát triển dự án, xây dựng và vận hành khai thác.
Theo đánh giá của CASE, ở giai đoạn phát triển dự án thì các công ty tư vấn, các chuyên gia trong nước có thể thực hiện được 90% công việc, 10% còn lại là từ nước ngoài. Trong giai đoạn triển khai xây dựng và lắp đặt tiềm năng nội địa hóa cũng rất cao: Đối với điện gió trên bờ phần xây dựng nền móng đạt mức 85%, phần lắp đặt nhà máy đạt 70% và trám biến áp là 30%; Đối với điện mặt trời phần lắp đặt nhà máy chiếm tỷ lệ 80%, trạm biến áp 35% và một số hạng mục khác như hệ khung đỡ, thiết bị điều khiển chiếm 20%. Một số thiết bị chiếm tỷ trọng chi phí cao trong suất đầu tư dự án năng lượng tái tạo tỷ lệ nội địa hóa còn rất thấp, thậm chí phải nhập khẩu hoàn toàn như cánh quạt; Nacelle, Hub, cáp ngầm trên biển …
Tỷ lệ nội địa hóa có xu hướng tăng dần theo từng giai đoạn, từ mức 45% (2025-2030) đến gần 65% (2050), ước tính cả giai đoạn 2025-2050 giá trị nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời đạt mức gần 80 tỷ USD chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để nội địa hóa thành công cần hội đủ các yếu tố như tài chính; lực lượng lao động; quy mô thị trường. Ở nước ta, quy mô thị trường đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp tham gia tuy nhiên lực lượng lao động và thu hút nguồn tài chính cần có chính sách hỗ trợ phát triển hơn nữa.
Để khai thác tối đa tiềm năng, cần thúc đẩy nội địa hóa ở các công đoạn như phát triển dự án, xây dựng và đấu nối, sản xuất thiết bị máy biến áp, thiết bị nền móng… Tiếp tục đánh giá năng lực của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị điện gió, điện mặt trời bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiệp cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, khai thác tối đa các cam kết chuyển giao công nghệ từ các nước đi trước.
Lê Minh