Giá thuê sạp chợ Đại Quang Minh quá đắt đỏ?

Công ty Satraseco sau khi đưa ra thông báo tăng giá thuê sạp 50-130% đã có những điều chỉnh, tuy nhiên phía tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh chưa cảm thấy thỏa đáng.

Công ty Satraseco, đơn vị quản lý TTTM Đại Quang Minh (chợ Đại Quang Minh, quận 5, TP.HCM) đang có những mâu thuẫn với tiểu thương. Nhiều người phản đối việc công ty này tăng giá thuê quầy 50-130%, chỉ ký hợp đồng một năm, cấm tiểu thương sang nhượng quầy…

Ngày 14/6, Satraseco đã có buổi công bố thông tin và giải thích cho khoảng 100 tiểu thương tại hội trường Trường THCS Trần Bội Cơ, quận 5.

Satraseco chịu nhượng bộ

Tại đây, Satraseco đã công bố sẽ điều chỉnh 3 nội dung chính của hợp đồng cho thuê.

Thời hạn hợp đồng: Được điều chỉnh thành 2 năm (so với thông báo lần đầu là 1 năm).

Giá cho thuê quầy: Căn cứ vào thị trường thực tế, công ty giãn thời hạn tăng giá giữa hai lần là 1 năm (so với 6 tháng theo thông báo lần đầu). Như vậy, việc điều chỉnh tăng giá được thực hiện trong 2 năm. Năm đầu tăng bình quân 50%, năm thứ 2 tăng bình quân 50% (tương đương mức tăng từ trên 1 triệu đồng/tháng).

Giá thuê sạp chợ Đại Quang Minh quá đắt đỏ?
Satraseco đã nhượng bộ và điều chỉnh 3 điểm trong hợp đồng.

Tiền đặt cọc là 2 tháng tiền thuê (so với 3 tháng theo thông báo lần đầu).

Ngoài ra, từ tháng 7/2022, Satraseco sẽ xây dựng, sửa chữa chợ với nhiều hạng mục như giải tỏa quầy lấn chiếm mặt tiền, xây nhà vệ sinh mới và bồn nước PCCC, sửa chữa hệ thống thoát nước, thay mới gạch nền toàn bộ lối đi.

Việc xây dựng được thực hiện cuốn chiếu để không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quầy hàng. Trong thời gian thi công, trung tâm vẫn hoạt động bình thường.

Satraseco chỉ ký trực tiếp hợp đồng cho thuê với khách hàng cũ. Những ưu đãi trên chỉ dành cho những khách hàng cũ, hoàn thành việc ký kết hợp đồng trước 25/6/2022.

Chia sẻ với Zing, chị Phương Thảo – tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh cho biết tại buổi gặp, từ cổng, nhiều người bị kiểm tra giấy từ tùy thân và bị ngăn không cho vào nếu không phải là người đại diện ký hợp đồng.

Sau đó, buổi làm việc đã diễn ra trong khung cảnh nhốn nháo, mất trật tự, 2 bên không tìm được tiếng nói chung nên nhiều người đã bỏ về.

“Satraseco đã đọc hợp đồng mới mà không có tiểu thương nghe”, Phương Thảo khẳng định.

Tiểu thương này chia sẻ thêm: “Satraseco vẫn đơn phương đưa ra hợp đồng, áp đặt trong khi tiểu thương muốn trao đổi thêm. Tiểu thương muốn trình bày và đối chất nhiều vấn đề, như là quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của Satraseco. Ngoài ra, chúng tôi cần cơ quan thứ 3 làm chứng để đảm bảo sự tin tưởng”.

Cùng ngày, nhiều tiểu thương đã xuất hiện tại Ủy ban Nhân dân TP.HCM và yêu cầu Ủy ban can thiệp, xử lý sự việc.

Tiểu thương chưa hài lòng

Mâu thuẫn lớn nhất giữa Satrasesco với các tiểu thương tại chợ nguyên phụ liệu dệt may lớn nhất TP.HCM là về mức phí thuê sạp tăng và quyền sang nhượng.

Bà Lưu Hữu Trân, tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh, quận 5 nói với Zing: “Sạp của tôi rộng có 2,95 m2, giá thuê hiện tại là 3.534.000 đồng/tháng. Theo mức phí mới, từ ngày 1/7 giá sẽ tăng lên 5,85 triệu đồng, đến năm 2023 tăng lên 7,8 triệu đồng, tức là tăng hơn 120% sau một năm. Tăng khủng khiếp như vậy thì tiểu thương buôn bán kiểu gì để mà trả?”.

Trước mâu thuẫn này, Zing đã khảo sát tại một số chợ trên địa bàn quận 5.

Tại chợ vải Soái Kình Lâm chỉ cách chợ Đại Quang Minh khoảng 300 m, một tiểu thương tên Bình đang sang quầy rộng 2 m2 có gác. Anh cho biết mỗi tháng, quầy này đóng tiền thuê mặt bằng 1,7 triệu đồng, ký hợp đồng một năm, chi phí sang quầy là 100 triệu đồng.

Giá thuê sạp chợ Đại Quang Minh quá đắt đỏ?
Quầy tại chợ vải Soái Kình Lâm có giá thuê mặt bằng khoảng 1,7 triệu đồng/tháng. Ảnh: Diệu Thanh.

Anh Bình cho biết do chợ này thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nên người bán không thể mua và sở hữu sạp.

“Tôi thấy phí thuê mặt bằng ở chợ khá hợp lý và ổn định. Quầy tôi đang bán có diện tích 3,5 m2, phí thuê chỉ khoảng 3 triệu đồng”.

Tại chợ Kim Biên, một tiểu thương giấu tên cho biết anh là chủ sở hữu một quầy ở mặt đường rộng 1 m x 1,8 m. Mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng anh phải trả là 1,165 triệu đồng. Người này tiết lộ giá mua lại quầy là khoảng 1 tỷ đồng.

Liên hệ với một số điện thoại đăng tin sang nhượng quầy rộng khoảng 3,5 m x 1,8m ở chợ Kim Biên, chủ quầy từ chối tiết lộ giá sang nhượng cụ thể. Anh chỉ cho biết một quầy ở chợ Kim Biên có giá sang từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, giá thuê mặt bằng ở quầy này là “dưới 7 triệu đồng”.

Tại chợ An Đông, đại diện Ban quản lý chợ chia sẻ tiểu thương không được sở hữu sạp, không phải trả chi phí thuê mặt bằng mà chỉ phải trả phí dịch vụ. Giá này là 200.000 đồng/tháng cho sạp có diện tích từ 2,1 m2 đến 2,25 m2.

Một tiểu thương giấu tên tại chợ An Đông cho biết: “Chợ này buôn bán ế ẩm nên giá chi phí dịch vụ cũng thấp. Nhiều người bỏ sạp rồi không buôn bán gì nữa đâu”.

Theo quan sát, ở tầng 2 của chợ An Đông là một siêu thị khá rộng nên phần lớn khách hàng chọn mua ở đây thay vì mua của tiểu thương bên dưới.

Có thể thấy, chi phí thuê mặt bằng, giá sang nhượng quầy tại các chợ đang có sự khác biệt. Điều này tuỳ thuộc vào hệ số K (hệ số về vị trí đắc địa của mặt bằng) và tình hình kinh doanh chung của cả chợ.

Nguồn: Zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button