Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?

Việc giá thép xây dựng tăng khoảng 41% trong năm 2021 và khoảng từ 20 – 35% từ đầu năm đến nay đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

10 ngày 3 lần điều chỉnh giá thép

Thời gian qua, giá thép trong nước liên tục tăng cao, chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 3, giá thép đã có nhiều biến động theo chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát từ ngưỡng 17,12 triệu đồng/tấn vào đầu tháng, thì đến ngày 4/3 tăng lên khoảng 17,42 triệu đồng/tấn, chỉ 2 ngày sau, ngày 6/3 tăng lên 17,83 triệu đồng/tấn và đến ngày 11/3, giá đã tăng lên 18,43 triệu đồng/tấn. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, giá thép cây của Hòa Phát đã được điều chỉnh tăng giá lên 3 lần, tương đương mức tăng 7,65%.

Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?
Việc giá thép xây dựng tăng khoảng 41% trong năm 2021 và khoảng từ 20 – 35% từ đầu năm đến nay đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Tại khu vực phía Nam, giá thép Miền Nam loại thép cuộn, thép cây cũng được tăng giá bán 3 lần theo đà tăng giá chung của thị trường thép. Theo đó, giá thép cuộn Miền Nam từ 17,26 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,57 triệu đồng/tấn. Thép cây xây dựng loại D10 CB300 giá từ 17,46 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,78 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, giá thép Pomina loại D10 CB300 tại khu vực miền Nam trong những ngày đầu tháng 3 cũng được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,76 triệu đồng/tấn lên mức 18,17 triệu đồng/tấn. Tính chung, giá bán buôn thép xây dựng các loại đã tăng từ 600.000 – 1,4 triệu đồng/tấn.

Theo tính toán của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thép xây dựng chiếm khoảng 18 – 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng, với công trình xây dựng cầu đường chi phí thép xây dựng lớn hơn nên ảnh hưởng rất lớn tới giá thành xây dựng.

Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát, hạ nhiệt giá, nhiều công trình sẽ vỡ tiến độ, buộc phải dừng thi công. Ngành xây dựng hiện đóng góp khoảng 8-9% GDP cả nước, nếu ngành xây dựng bị tê liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% năm nay”, đại diện VACC lo lắng.

Đại diện một doanh nghiệp xây dựng tại TP.HCM cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, giá các loại thép trên thị trường đã tăng từ 20 đến 35% so với năm 2021. Chẳng hạn với thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý… thời điểm cuối năm 2021 có giá chỉ khoảng 17 triệu đồng trên tấn thì giờ đã là 20,300 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 – 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…), khi giá thép tăng như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội lên trên 10%. Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng/m2.

Trong báo cáo triển vọng ngành xây dựng mới đây, các chuyên gia của SSI cho rằng, việc giá thép tăng mạnh trong năm 2021 đã đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận năm 2021. Theo SSI, việc giá thép xây dựng tăng khoảng 41% trong năm cũng gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành xây dựng “teo tóp”

Giá thép tăng cao trong cả năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022, cùng với nhiều yếu tố khác cũng đã khiến lợi nhuận của nhiều “ông lớn” trong ngành xây dựng “teo tóp”. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), lũy kế cả năm 2021 đạt 9.087 tỷ đồng doanh thu, giảm 38% so với mức 14.558 tỷ đồng của năm 2020. Đây là lần đầu tiên doanh thu của CTD xuống dưới 10.000 tỷ đồng kể từ năm 2015.

Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?
Giá thép tăng cao khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng “teo tóp”.

Lợi nhuận ròng cả năm 2021 của CTD chỉ đạt 24 tỷ đồng, giảm đến 93% so với mức đạt được của năm 2020. Đây là mức lợi nhuận thấp chưa từng có kể từ khi “ông lớn” ngành xây dựng này công bố số liệu từ năm 2009 đến nay. Mức lợi nhuận cả năm 2021 này chỉ bằng lãi bình quaan 1 tuần của thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2016 – 2018 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.400-1.600 tỷ đồng/năm.

Riêng trong quý IV/2021, CTD lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác 41 tỷ đồng, nên CTD lỗ trước thuế 79 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là -63 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 3 trong 5 quý gần nhất của CTD.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của CTD đạt 14.693 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu ngắn hạn với 8.326 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở phía khách hàng và tăng 21% sau một quý. Trong đó, CTD đã trích lập dự phòng hơn 661 tỷ đồng.

Một “ông lớn” khác trong ngành xây dựng là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) mặc dù không lỗ quý IV/2021, nhưng lãi ròng cũng chỉ đạt 18 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2021, HBC đạt 11.355 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng đạt 98 tỷ đồng; tăng lần lượt 1,1% và 14% so với năm 2020. Biên lợi nhuận gộp cả năm 2021 là gần 6,8%, cải thiện so với mức 6,55% của năm 2020.

Năm 2021, HBC đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, HBC chỉ mới hoàn thành 35% mục tiêu lợi nhuận và 84% kế hoạch doanh thu năm.

Kết thúc năm 2021, quy mô tài sản của HBC là 16.800 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu ngắn hạn với 11.572 tỷ. Trong đó, 5.374 tỷ đồng là phải thu của khách hàng và 4.735 tỷ là phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng

Tương tự, Công ty CP FECON (HoSE: FCN) lũy kế cả năm 2021 ghi nhận 3.484 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 114 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện trong năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm qua của FCN.

Trong năm 2021, FCN đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 175 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2021 FECON đã không hoàn thành kế hoạch doanh thu và cũng chỉ đạt được 65,6% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của FCN tăng 12% so với đầu năm lên 7.598 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.818 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.887 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.710 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản. Bên nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 55% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 876,7 tỷ đồng lên 2.471,6 tỷ đồng và chiếm 32,5% tổng nguồn vốn.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button