GAS và PVS “nổi sóng” nhờ đâu?
Cổ phiếu ngành dầu khí tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 5/2023 nhờ kỳ vọng từ các dự án dầu ngoài khơi và từ Qui hoạch điện VIII.
Trong tuần qua, cổ phiếu tăng mạnh phải nói đến GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam. GAS dẫn đầu nhóm cổ phiếu dầu khí đang “đỡ” chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu còn lại thuộc nhóm ngành dầu khí đều mạnh: PVD tăng giá lên 24.000 đồng/cp; BSR tăng 17.100 đồng/cp, PVC tăng 18.000 đồng/cp… Cổ phiếu mạnh nhất phải nói đến PVS – Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, đã tăng mạnh từ vùng giá 27.000 đồng/cp lên hơn 30.000 đồng cổ phiếu tại cuối phiên 26/5.
Mới đây, PVS công bố doanh thu thuần Quý 1/2023 giảm nhẹ 1,7% xuống 3.704 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp Quý 1/2023 tăng 5,8% chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp mảng Cơ khí & Xây lắp (M&C) cao hơn (+1,6 điểm % ) khi một số dự án lớn đang đi vào giai đoạn cuối của chu kỳ xây lắp. Kết quả, lợi nhuận ròng Quý 1/2023 đạt 215 tỷ đồng do chi phí quản ký doanh nghiệp cao hơn (+13% ) và không ghi nhận thu nhập từ thanh lý tài sản. Tình hình tài chính rất vững mạnh của PVS với vị thế tiền mặt ròng hơn 8.800 tỷ đồng (tương đương 18.400 đồng/cp) và tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu là -67% vào cuối Quý 1/2023. Điều này có thể giúp công ty hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao.
Dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí nhưng PVS lại hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII (QHĐ 8) vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo nội dung của QHĐ 8, Chính phủ có định hướng ưu tiên phát triển điện khí sử dụng các nguồn khí nội địa để giảm sự phụ thuộc vào nguồn LNG nhập khẩu. Đều này có thể thúc đẩy các dự án phát triển mỏ khí trị giá nhiều tỷ đô vốn bị đình trệ lâu nay như dự án Lô B và Cá Voi Xanh.
Bên cạnh đó, điện gió sẽ trở thành trọng tâm phát triển chính trong cả ngắn và dài hạn, với 6.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên dự kiến được đưa vào vận hành từ năm 2030, trước khi đạt tốc độ tăng trưởng kép 15% trong giai đoạn 2030-2050, chiếm 16% tổng công suất hệ thống năm 2050.
Mới đây, PVS vừa ký hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế cho dự án điện gió của Orsted tại Đài Loan. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, PVS sẽ là đơn vị hưởng lợi chính từ hai ưu tiên phát triển theo QHĐ8 này với tư cách là nhà thầu xây lắp công trình ngoài khơi hàng đầu tại Việt Nam. VNDirect ước tính lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng kép 16,7% trong năm 2023-2025 và duy trì khuyến nghị khả quan PVS với giá mục tiêu từ 33.800-35.000 đồng/cp.
Báo cáo nhận định về cổ phiếu GAS, Công ty Chứng khoán MBS nhận định trong năm 2023, dự báo sản lượng khí khô sẽ tiếp tục hồi phục nhờ khách hàng điện sẽ tiêu thụ nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu điện tăng và thủy điện đã đi qua mức đỉnh, nhiệt điện sẽ được huy động nhiều hơn. Dự báo sản lượng khí khô đạt 8.25 tỷ m3 (+6%), sản lượng LPG đạt 2.25 triệu tấn (+10%) nhờ vào việc cung cấp khí nguyên liệu cho nhà máy Hóa dầu Long Sơn khi đi vào vận hành thương mại từ giữa năm 2023, sản lượng Condensate dự báo đạt mức 80 nghìn tấn.
MBS dự báo doanh thu năm 2023 GAS có thể đạt 92,075 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13,066 tỷ đồng, lần lượt bằng 91% và 69 % của năm 2022. Trong trung và dài hạn, theo chiến lược phát triển ngành khí và QHĐ 8 đã được thông qua, nhu cầu khí tự nhiên cho phát điện tăng lên mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu khí cho điện (đến 2030, công suất các nhà máy điện khí dự kiến đạt 29.7-38.8GW, tương ứng nhu cầu khí là khoảng 30-35 tỷ m3/năm). Do vậy tăng trưởng kép (CAGR) sản lượng khí kinh doanh của GAS đạt mức 14% trong giai đoạn 2023-2030.
Tại ĐHĐCĐ mới đây, GAS thông qua phương án phân phối lợi nhuận với việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 36%/vốn điều lệ (3.600 đồng/cổ phiếu), tăng hơn 10% so với kế hoạch; kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 20%/vốn điều lệ (2.000 đồng/cổ phiếu) và phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 10:2.
Nhận định cổ phiếu ngành dầu khí, Công ty Chứng khoán KIS cho rằng ngoài 2 cổ phiếu đầu ngành GAS và PVS, nhóm dầu khí còn đón nhận một vài thông tin hỗ trợ tích cực đến từ tình hình triển khai các dự án trọng điểm trong nước. Mới nhất, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) – Nhà điều hành dự án khí Lô B đã ký kết hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án (PMSS) với các nhà cung cấp dịch vụ (Liên danh PSL Orion, Công ty CP Dịch vụ Logistics Dầu khí Việt Nam, Liên danh PV CHEM – Amoria Bond, Xí nghiệp Dịch vụ Đầu tư Khoan Dầu khí – thuộc Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí).
Trước đó vào đầu tháng 4/2023, Ban chỉ đạo dự án phát triển khai thác dầu khí Lô B – Ô Môn của PVN đã có kết luận yêu cầu các đơn vị, các ban chuyên môn tập trung mọi nguồn lực, với quyết tâm đạt được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6/2023, nhằm bảo đảm tiến độ thi công (dự án thượng, trung nguồn) để đón dòng khí về bờ vào năm 2026.
Trong báo cáo mới đây, KIS cho rằng giá cổ phiếu dầu khí thời gian qua đã phản ánh việc giá dầu giảm từ cuối năm 2022. KIS đánh giá khả quan đối với triển vọng ngành dầu khí do ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hơn so với các ngành khác; Tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023-2025 của các công ty thượng nguồn và triển vọng dài hạn vững chắc nhờ các dự án tiềm năng.