Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm  

Phải ngẫm kỹ, hẳn mới thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn ấy có hồn có vía, có lớp lang, có bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, trầm mặc triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca. Những thứ gàn ấy cứ trộn mãi vào anh, tự viết nên cuốn tiểu thuyết cuộc đời.
Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm  
Doanh nhân Phạm Hồng Điệp
Một
Từ đận cuối năm con chuột (Canh Tý), tối 26 tháng 11, tôi và doanh nhân Phạm Hồng Điệp thổi nến chung một cái bánh gato. Âu cũng là duyên, chúng tôi sinh cùng ngày cùng tháng, cùng trăn trở dấn thân với mảng môi trường. Bữa ấy, từ Hà Nội về đến Hải Phòng trời đã sâm sẩm, vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa còn ngổn ngang xây lắp. Qua chiếc cầu ngăn ngắn, tọa lạc chái lầu nho nhỏ, lóng lánh đèn lồng, thả xuống hồ xử lý nước thải Nam Cầu Kiền những vạt sáng văn hóa Phù Tang, vừa nhưng nhức liêu trai, vừa phong tình ấm áp. Khoảng chục con người ngồi xếp bằng, quen mới quen cũ, trò chuyện như bao kẻ tri tâm. Bốn mươi mấy niên trôi, thăng trầm đủ cữ, mốc nhân sinh đó ý nghĩa nhất với tôi.
Ít ai tường, cũng độ 26 tháng 11 của 22 năm về trước, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec chính thức có quyết định thành lập. Vận mệnh và sứ mệnh đặt lên đôi vai chàng trai trẻ mới qua tuổi 35. Rồi đằng đẵng thu đông giao hòa, dịp sinh nhật mỗi năm, cũng là ngày Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Phạm Hồng Điệp kỷ niệm chặng đường Shinec chào đời, vươn ra biển lớn.
Tôi nghe kể rằng, thuở ấy, Phạm Hồng Điệp đương là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Bí thư Đoàn của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hồng Bàng. Những năm tháng mà “tâm lý an phận”, “chắc chân trong doanh nghiệp nhà nước” luôn trùm ám, thì vị trí lãnh đạo của anh là niềm mơ ước xa vời với nhiều người. Song, ngặt nỗi, anh vốn gàn. Bởi thế, khi lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chủ trương thành lập doanh nghiệp cổ phần có vốn chi phối Nhà nước, không đắn đo Phạm Hồng Điệp nhận ngay. Để Shinec có hình hài, thứ đầu tiên anh xin, là được ký quyết định thành lập vào ngày 26 tháng 11. Anh đã xác định, một hành trình mới bắt đầu, bất biến, bất tận, anh phải bất khuất để đi hết bước trường chinh cam go, vinh quang và trang nghiêm nhất của cuộc đời.
Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm  
Vườn Nhật trên khu xử lý nước thải KCN Nam Cầu kiền
Hai
Lúc viết bài này, tôi mới biết doanh nhân Phạm Hồng Điệp vỏn vẹn một năm, sau đó gặp nhiều. Mãi dạo sau, tôi mới nhận thấy cái gàn ở anh. Chúng tôi gặp có khi công việc, lúc thì chỉ để tâm sự vãn nhân điều gì ý nghĩa.
Hồi đầu về Nam Cầu Kiền, tôi cơ hồ lạc đến một công viên sinh thái. Dẫn lối vào, ngầm ngập mắt miên man phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa, mướt mát hàng rào xanh, thay thế cho những bức tường bê tông khô cứng thường thấy trong các khu công nghiệp. Bận đó, hầu như tôi chỉ đi dạo, từ “vườn hạnh phúc” tới “phố lan”, hay dọc con suối hẹp nhấp nhóa cá koi, thi thoảng nghe anh nhốp một câu “tớ là nông dân chân đất mắt toét”. Ơ, cái gã này lạ thật. Tôi bấm bụng thế. Gã ăn mặc bảnh bao, đi xe sang, ngồi làm việc tòa nhà hiện đại, chủ doanh nghiệp nức tiếng xa gần, thi thoảng xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai trò khác nhau… Vậy mà hở ra, cứ câu trước câu sau, gã lại tự nhận mình người quê. Phải tìm hiểu, thế là tôi đọc cuộc đời gã, đúng là quê thứ thiệt, nông dân xịn trăm phần trăm. Chuyện đó xin kể sau.
… Anh Điệp có hàng nghìn giò phong lan, lan phủ kín như hiên nhà, như mái bằng rợp bóng, anh không đặt tên, “phố lan” là tôi tự gọi. Để nhớ từng khu, dễ  “khoanh vùng” ngồn ngộn mảng ý tưởng “chẳng giống ai” của anh. Nói riêng cái “vườn hạnh phúc”, có tích hẳn hoi. Những đôi lứa yêu nhau, làm việc ở khu công nghiệp, muốn nên duyên chồng vợ, thì phải trồng một cây xanh. Với gã yêu môi trường, mê cây đến mức “tự kỷ ám thị”, hương ước ấy đặt ra cũng chí phải.
Đường “phố lan” nằm sát nách và sau Vườn Kỷ vật, nơi đặt gian thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Shinec mới hoạt động khoảng 5 năm, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đạt giải nhất cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ môi trường toàn quốc”. Nhờ thế, dịp Tết trồng cây đầu Xuân Canh Dần 2010, cơ duyên anh được gặp Đại tướng. Quý người, quý tình, quý việc, quý cái tâm can mà vị “thuyền trưởng” Shinec dành trọn cho môi trường, anh Văn của lòng dân đã tặng gã gàn ấy cây đa bứng trong chính vườn nhà mình, có lần còn gửi thêm lá thư khen, đau đáu kỳ vọng và tin tưởng. Giờ, dưới tán đa tỏa bóng trên đại lộ thênh thang, trước Vườn Kỷ vật, lá thư Đại tướng khắc trang trọng lên hai phiến đá, gian thờ lảng bảng khói hương, mênh mang trầm thiêng cả một vùng.
Sau này, 10 năm, 15 năm, rồi 20 năm, anh Điệp nhận vô số giải thưởng danh giá,  từ “Nhân tài đất Việt” đến “Doanh nhân Sao Đỏ”, vân vân và vân vân… Rồi một ngày gã gàn bỗng sinh “nghiệp viết”, viết hăng say, nay xuất bản tới gần chục đầu sách lận. Bạn đọc đón nhận, có cuốn gã cho tái bản, nhưng chưa bao giờ gã bán. Gã viết vì “trót” mê… môi trường, nên chỉ dành tặng những ai giống gã.
Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm  
Cổng vào KCN Nam Cầu Kiền
Ba
Tôi “chạm” vào sông Cấm, nhờ thơ của một “chàng thi sỹ” họ Tô, tự Ngọc Thạch, quê cụ Trạng Trình, đất Hải Phòng. Em thả bùa mê dọc triền phương Bắc/ Bên bờ Nam lấp loáng mảnh trăng gầy/ Anh quăng lưới vớt mảnh tình trong vắt/ Đến mỏi mòn tình vẫn trắng tay. Thơ viết về dòng sông, ngàn đời vẫn thế, cứ thương vương vời vợi, cứ da diết nao nao, mà mời mà gọi, phải về phải đến. Vốn là thơ, nên thê thiết lắm cũng âu một nỗi buồn đẹp. Còn sông Cấm thực “ngoài đời”, lần tôi đến cũng ngót hai thập niên, đôi bờ đồng hoang hiu quạnh, nhà tranh vách lá liêu xiêu. Người quê lầm lũi sống trong những thôn ổ trải đầy rác thải. Giờ, bên dòng sông ấy, phố thị rộn ràng, vẫn nếp duyên xưa, không bon chen nhốn nháo, nhưng lại đồng điệu trong cái hơi thở hiện đại kiêu kỳ. Cảnh sán lạn đó, xuất hiện từ dạo Shinec “về làng”, từ cái ngày anh Điệp bắt tay làm đề án Xây dựng khu dân cư xanh…
Bữa ở Thủy Nguyên, đận hồi đầu mới đến, thỏa mắt ngắm Nam Cầu Kiền, khó lắm tôi mới tin Shinec là ông chủ đầu tư của nó. Chả là trước đó, tôi nghe anh Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển Kinh tế, kể rằng, một dạo “thằng” Điệp khốn đốn, kinh tế ảm đạm cùng cực, nhân viên Shinec chán nản, lúc nào cũng thường trực trạng thái “kiếm chỗ nào khá hơn” để nghỉ. Gã gàn ấy cả đêm thức trắng, nghĩ lung lắm, rồi gã viết một lá thư với thông điệp Gửi toàn thể công dân Shinec. Như hiểu cái tâm, cái tầm của vị “thuyền trưởng”, tư tưởng dã đám không còn, người người nhất loạt đồng lòng ở lại. Nay, họ đã đúng! Họ đang diễm phúc được sống và làm việc nơi xứ sở công nghiệp an lành, phù hoa độc nhất vùng Bắc Bộ.
Nam Cầu Kiền từng khép lại cánh cửa thập niên cũ bằng Chiến dịch “56 ngày đêm”, nhận 3 kỷ lục Guinness Việt Nam; “thuyền trưởng” – doanh nhân, luật sư Phạm Hồng Điệp nhận 1 kỷ lục và được Liên đoàn Các nhà sáng tạo thế giới trao đĩa vàng vì những đóng góp to lớn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Chiến dịch “56 ngày đêm” chấn động địa cầu năm xưa dưới sự chỉ đạo tài ba của Tướng Giáp, đã trở thành niềm cảm hứng khơi dậy ý chí cho “đội hùng binh” Shinec hôm nay. 56 ngày đêm kiến thiết dựng xây sục sôi khí thế, vượt nắng thắng mưa, trên mênh mông đất trống, nay Vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa đã hiện hữu lung linh. Nơi giao thoa kinh tế, văn hóa, giáo dục và tình hữu nghị Việt – Nhật ấy, thật khó tưởng, đó lại là khu xử lý nước thải công nghiệp. Thi thoảng vui chuyện, anh Điệp bảo, cái “nhà vệ sinh 5 sao” ấy mà. Thú thực, có lúc tôi mường tượng Vườn Nhật tựa một kiệt tác ánh sáng, được tạo nên từ bản hòa tấu thương trường đa sắc, mềm nhu mây trôi, réo gào thác đổ, vừa ẩn ức cổ kính, lại lộng lẫy tráng ca, khát cháy hơi thở thời cuộc. Dễ hiểu thôi, vì sau phong ngoại doanh nhân bảnh bao đó, gã gàn. Gàn tới mức “phá cách”, chỉ làm thứ “là một, là duy nhất”.
Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm  
Bốn
Tôi khám phá hơn 20 năm Shinec vượt trùng dương, rồi mường tượng về “thuyền trưởng” con tàu đầy phong ba và kiêu hãnh, lẩn thẩn mãi mới dám quyết, mạn phong cho anh cái tên Gã gàn. Bởi, nếu thảng gặp, hoặc dẫu quen lâu mà không chịu đọc “tiểu thuyết” đời gã, hay đọc chẳng hiểu, hiểu sơ sơ, hiểu nhưng không ngẫm, sẽ thấy danh xưng ấy đâu ăn nhập, tính gàn đâu có ở gã.
Gã gàn đặc biệt, chẳng thích kể về mình, chỉ dặt chuyện cây cối, chuyện môi trường. Tôi muốn “tìm hiểu” gã, để viết, gã gọn lỏn, “không, viết làm gì”. Tôi “bực”, đời gã thú vị vậy, “bỏ” đi thì phí, đành kệ. Đành “vẽ” gã theo cách của tôi.
…Cách đây chừng hơn 5 thập kỷ, trong một xóm nghèo hoang hoải làng Phục Lễ, thôn dân ven bờ sông Cấm quen nằm lòng, cái dáng cậu bé gầy ngẳng, đen đúa, ngày qua ngày đi nhặt vỏ chai, giấy sắt vụn, về đổ cho các bà đồng nát. Cậu kiếm tiền để tự lo việc học, vừa phụ giúp bố mẹ đắp đổi mưu sinh. Đoản khúc thiếu thời của doanh nhân Phạm Hồng Điệp trôi đi như như thế, trong những nếp đời cơ cực, gia cảnh bần hàn. Miền quê mềm mượt, hào sảng lời hát Đúm ấy đã nuôi dưỡng anh, ngấm vào mạch nguồn thi vị, hun đúc nên khí chất hồn hậu, mà nghị lực quật cường, bền chí kiên gan. Lớn lên, anh học và học, khi đã làm lãnh đạo anh vẫn miệt mài học, sớm lo việc phố Cảng, chiều muộn bắt xe lên Hà Nội. Vòng quay ấy không ngừng.
Lửa thử vàng, đời anh biết bao lần giông bão, rồi đi lính, rồi về “đầu quân” một doanh nghiệp và “cứu” được tình trạng thua lỗ triền miên. Để “nuôi” Shinec, vị “thuyền trưởng” từng quyết định từ biển lên núi, trồng rừng ở Lạng Sơn, mở nhà nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm… Sứ mệnh nối tiếp sứ mệnh, Shniec còn kiêu hùng, đời anh sẽ… mãi gàn.
…Hễ sáng, gã gàn lại gửi cho tôi một nhạc phẩm. Lúc thì gã bảo, nghe ghi-ta bập bùng thế sướng không. Lúc thì, gã làm thơ, mấy bài đều phổ nhạc cả. Tôi thưởng riết thành quen. Thưởng tái thưởng hồi, đâm thuộc, thi thoảng nghêu ngao hát, thấy hay hay. “Em có nghe khúc ca hè rộn rã/ Nắng bâng khuâng nhuộm ngọt một vùng trời…/Tiếng còi tàu âm vang dòng sông Cấm/ Nhớ cánh phượng rơi trên mái tóc dài”. Thơ của gã đấy. Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm.
Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm   Gàn như gã, trên đời này cũng hiếm  
Những ngày hạ tuần tháng 11 này, Shinec đang chộn rộn với chuỗi sự kiện Kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập. Sau 5 tháng triển khai, Công trình Vườn Hà Lan đã chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động. Ngay tại khu vườn đó, đã vang lên Ca khúc Hào khí Việt Nam, Tổ quốc gọi tên mình, Thành phố hoa Phượng đỏ… với màn đồng diễn của hơn 100 thành viên mang màu áo đỏ Sao vàng. Và vô vàn hoạt động kéo dài đến hết tháng 11, đặc biệt sự kiện giải chạy “NCK RUN Together 2023”… Đó là biểu tượng của sự Hạnh phúc và Phát triển bền vững.
Chúc vị thuyền trưởng tài ba Phạm Hồng Điệp và “Shinec tròn 22 tuổi” luôn là biểu tưởng tiên phong và niềm tự hào về Doanh nhân - Doanh nghiệp sinh thái Việt Nam!
Phóng sự của Thiệu Anh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button