Eximbank lại gặp “sóng gió”
Sóng êm bể lặng” chưa được 2 năm, NHTMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) lại bị “bủa vây” bởi những thông tin liên quan đến thay đổi cổ đông, lãnh đạo cấp cao.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Eximbank đã có 2 đợt ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1 và tháng 2 mà một trong những nội dung quan trọng là bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Biến động thượng tầng
Gần nhất vào ngày 28/6, HĐQT Eximbank đã thông qua quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú; đồng thời bầu bà Đỗ Hà Phương, Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII.
Tuy nhiên, đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT chưa được 2 ngày, theo văn bản của ông Trần Hoàng Ninh (Hà Nội) gửi đến HĐQT, Ban Kiểm soát và Tổng Giám đốc, bà Phương bị đề nghị miễn nhiệm với lý do không thực hiện nghiêm túc chức vụ đang đảm nhiệm, gây xáo trộn hoạt động của Eximbank, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như ý chí phát triển ngân hàng một cách minh bạch và ổn định của các cổ đông.
Mặc dù Eximbank cho biết việc bổ nhiệm bà Phương là đúng quy định pháp luật, và qua tra soát thông tin danh sách nhóm cổ đông đề cử bà Phương vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII không có tên ông Trần Hoàng Ninh, song ngày 20/7 nhóm cổ đông chiếm 10% số cổ phần của Eximbank do ông Trần Hoàng Ninh làm đại diện tiếp tục gửi yêu cầu lần 2 vẫn với nội dung rút đề cử và yêu cầu miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với bà Đỗ Hà Phương. Đồng thời, ông Ninh mới đây đã đại diện nhóm cổ đông tự ứng cử vào HĐQT.
871 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của Eximbank, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nỗ lực giữ vững kinh doanh
Trong dòng biến động nhân sự – cổ đông gần như không ngừng, một điểm sáng của Eximbank đến lúc này vẫn là dàn lãnh đạo điều hành giữ vững ý chí và cùng tập thể đảm bảo được kế hoạch kinh doanh.
Trong quý 1/2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 871 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 1 quý mà Eximbank có được kể được từ năm 2012 cho đến nay.
Theo kế hoạch kinh doanh 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng năm nay, tăng 35% so với năm 2022. Như vậy đến hết quý 1, Eximbank hoàn thành hơn 17% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo một thống kê, với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp đầu tháng 3/2023 ở mức 8%, Eximbank ghi nhận không tăng trưởng tín dụng. Trên thực tế, Eximbank chỉ đạt hơn 1.236 tỷ đồng lãi thuần, trong đó ngân hàng có lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, nhưng lỗ trong đầu tư chứng khoán.
Việc không tăng trưởng tín dụng trong quý 1 của Eximbank được cho một phần là do sự thận trọng của ngân hàng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống suy yếu. Mặt khác, điều này lại cho ngân hàng lợi thế dư địa hạn mức để thúc đẩy cho vay tốt hơn và tăng thu nhập lãi thuần khi chi phí vốn giảm xuống theo các đợt hạ lãi suất đầu vào.
Cập nhật kết quá kinh doanh quý 2, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 535 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.405 tỷ, giảm 26%. Dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank tăng 1% trong nửa đầu năm và đạt 131.850 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8%, đạt 154.278 tỷ đồng.
Trong tháng 5 vừa qua, Eximbank đã ban hành Nghị quyết phát hành cổ phiếu chia cổ tức (18%), qua đó tăng vốn. Điều này sẽ giúp ngân hàng có thêm cơ hội để phát huy lợi thế khi không có danh mục trái phiếu tài trợ, đầu tư, lại sở hữu nền tảng khách hàng, quản trị rủi ro, công nghệ vận hành, tổ chức nhân sự, marketing và thương hiệu vững chắc.
Do đó, rủi ro lớn của Eximbank có lẽ vẫn nằm trong câu chuyện những thay đổi qua thời gian kéo dài về các nhóm cổ đông, dẫn đến xáo trộn cấu trúc thượng tầng và làm suy yếu sức mạnh, đồng nhất tầm nhìn.