Đứng cuối “đồ thị nụ cười”, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần thêm lực đẩy
Dù tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử lớn nhưng các nhà cung cấp Việt Nam được định vị ở phần cuối “đồ thị nụ cười” sản xuất linh kiện đầu vào bậc thấp.
Giá trị gia tăng của sản phẩm hỗ trợ chưa cao
Ông Phạm Hải Phong – đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương cho biết: Sau dịch COVID -19, điện tử là lĩnh vực phục hồi và phát triển nhanh hơn các ngành khác. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hiện nay, tỷ trọng các sản phẩm điện tử cuối cùng xuất khẩu có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu ngày càng tăng, trong đó, điện thoại thông minh chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử. Xuất khẩu phần cứng điện tử phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp, tập đoàn FDI trong khi doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, khả năng sản xuất và xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo ông Phạm Hải Phong, các nhà cung cấp Việt Nam đang được định vị ở phần cuối “đồ thị nụ cười” của chuỗi giá trị, tức là thuộc phần sản xuất linh kiện đầu vào bậc thấp, sản xuất lắp ráp một số sản phẩm đơn giản. Trên đó là các nhà cung cấp lớp 1 của các nhà sản xuất lắp ráp tham gia sâu hơn phần phân phối logistic cũng như thiết kế, phát triển sản phẩm. Trên cùng là các nhà sản xuất, lắp ráp lớn có thương hiệu, phát triển sản phẩm cuối cùng thường nắm các khâu R&D, xây dựng thương hiệu và bán hàng.
Trong đó, các nhà cung cấp lớp 1 của các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam là các doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà cung ứng lớp 1 nhưng số lượng ít, sản phẩm cung ứng đơn giản. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào lớp thứ 2, thứ 3 trong chuỗi cung ứng.
Về các mặt hàng cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng tốt các linh kiện cơ khí, nhựa, cao su, linh kiện điện tử chuyên dụng nhưng linh kiện điện tử và điện cơ bản, các tập đoàn điện tử vẫn phải nhập khẩu với tỷ trọng lớn. Điều này có thể thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có lợi thế về các mặt hàng cơ khí, nhựa, cao su; các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử đa phần có quy mô nhỏ, năng lực cung ứng không mạnh nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng.
Khó khăn tiếp cận chính sách hỗ trợ ưu đãi
Là một trong 6 ngành công nghiệp ưu tiên, theo ông Phạm Hải Phong, ngành công nghiệp điện tử được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó ưu đãi cao nhất cho doanh nghiệp sản xuất là chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng rất đầy đủ. Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng thực tiễn thực thi rất khó khăn, chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Phạm Hải Phong chia sẻ: vấn đề vướng mắc hiện nay trong việc chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ là xin chứng nhận dự án công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương thực hiện nhưng có khá ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhận được chứng nhận này.
Đặc biệt, chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi, hiện chỉ có một số rất ít doanh nghiệp tiếp cận được quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trao đổi với báo chí, bà Trương Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết: một doanh nghiệp hội viên sản xuất phụ tùng ô tô đã tham gia chuỗi cung ứng, mong muốn vay vốn với lãi suất theo chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình vay vốn rất nhiêu khê, thời gian kéo dài và nhiều thủ tục. Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải có văn bản kiến nghị, cam kết doanh nghiệp này đã tham gia chuỗi cung ứng thì sau hai năm mới được tiếp cận nguồn vốn. Như vậy, thời gian vay ưu đãi cũng mất đi hai năm làm thủ tục, chỉ còn 5 năm thay vì 7 năm.
Từ thực tế trên, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kiến nghị, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần phải thông thoáng và cần có thêm nhiều chính sách về tín dụng, chính sách hỗ trợ sâu rộng giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.