Dự trữ vàng hay Bitcoin?

Có ý kiến cho rằng các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách không nên bị lung lay bởi những lời kêu gọi chuyển sang tiền điện tử khi vàng vẫn mạnh.

Công ty quản lý tài sản VanEck vừa đưa ra một dự báo cho thấy Hoa Kỳ có thể giảm tới 35% nợ quốc gia trong 24 năm tới nếu xây dựng được một kho dự trữ 1 triệu Bitcoin (BTC).

Dự trữ vàng hay Bitcoin?
Bitcoin có thể trở thành một phương tiện thanh toán toàn cầu cho thương mại quốc tế

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số của VanEck – Matthew Sigel, cùng nhà phân tích Nathan Frankovitz cho biết trong báo cáo rằng: “Kho dự trữ Bitcoin này có thể chiếm khoảng 35% tổng nợ quốc gia vào năm 2049, giúp bù đắp khoảng 42.000 tỷ USD nợ”.

Trong kịch bản lạc quan của họ, giá Bitcoin sẽ bắt đầu từ 200.000 USD/BTC vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 25%. Hiện tại, giá Bitcoin dao động ở mức 95.360 USD, nghĩa là nó cần phải tăng gấp đôi mới có thể đạt được mức giá dự báo này.

Ngoài ra, các quốc gia trong liên minh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng có thể tác động đến giá trị của Bitcoin, khi ngày càng nhiều quốc gia có thể sử dụng Bitcoin như một loại tiền tệ thay thế. Sigel nhận định Bitcoin có thể trở thành một phương tiện thanh toán toàn cầu cho thương mại quốc tế, đặc biệt là đối với các quốc gia muốn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến đồng USD.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách không nên bị lung lay bởi những lời kêu gọi chuyển sang tiền điện tử khi vàng vẫn mạnh.

Vàng là một kim loại quý, là hàng hóa hay một hình thức tiền tệ linh hoạt có thể thích ứng với nhiều nền văn hóa khác nhau. Vàng đã thể hiện vị trí của mình qua nhiều thế kỷ và ngay cả hiện tại, vàng ngày càng nâng cao giá trị bất chấp những thách thức từ các loại tiền điện tử mới nổi.

Trong năm nay, giá vàng đã tăng vọt hơn 30% lên mức kỷ lục hơn 2.600 USD/ounce, còn giá Bitcoin đã liên tục biến động và đạt được giá trị kỷ lục hơn 100.000 USD/BTC.

Trong một chia sẻ với báo chí quốc tế, chuyên gia kinh tế tài chính châu Á Anthony Rowley cho rằng sự tăng giá của vàng đến từ nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là việc mua vào của ngân hàng trung ương các nước đang tạo ra áp lực tăng giá vàng.

Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) đã lưu ý trong một báo cáo chung gần đây rằng: “Vàng đang trở lại thịnh hành ở các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới như một tài sản an toàn tối ưu”.

Dự trữ vàng hay Bitcoin?
Trong năm nay, giá vàng đã tăng vọt hơn 30% lên mức kỷ lục hơn 2.600 USD/ounce, còn giá Bitcoin đã liên tục biến động và đạt được giá trị kỷ lục hơn 100.000 USD/BTC

Thực tế này làm giảm đi quan niệm của những người đam mê tiền điện tử rằng các tổ chức này đang tích cực đa dạng hóa lượng dự trữ chính thức của họ sang Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.

Báo cáo của OMFIF mô tả, các ngân hàng trung ương đang quay trở lại mô hình lịch sử và xác nhận vai trò của vàng như một tài sản an toàn khi cuộc xung đột Nga – Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022. Xu hướng này đã lan rộng ra ngoài Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác quan tâm đến việc thiết lập hệ thống thay thế cho trật tự tiền tệ quốc tế dựa trên đồng đô la Mỹ. Điển hình là các ngân hàng trung ương tại Cộng hòa Séc, Hungary, Ireland, Ba Lan, Qatar, Singapore cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Ngoài ra, một động lực khác cho sự phổ biến mới của vàng trong các ngân hàng trung ương châu Âu, là sự công nhận ngày càng tăng về tính hữu ích của vàng như một công cụ bảo vệ bảng cân đối kế toán. Sự hiện diện của vàng trong dự trữ ngoại hối chính thức của một quốc gia, giúp nâng cao hình ảnh quốc tế của quốc gia đó.

Ông Mohamed El-Erian, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng lập luận, việc các ngân hàng trung ương mua vàng cho thấy mong muốn chuyển hướng khỏi dự trữ do đồng đô la Mỹ thống trị. Ông lập luận xu hướng mua vàng được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc Hoa Kỳ quản lý trật tự toàn cầu và sự quan tâm đến việc khám phá các hệ thống tài chính khác mà không có sự xuất hiện của đồng USD.

Chuyên gia tài chính Anthony Rowley lưu ý ngay cả khi tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump là người ủng hộ tiền điện tử thì đây vẫn là một trong những quốc gia nắm giữ dự trữ vàng chính thức lớn nhất thế giới. Vàng đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Ngược lại, tiền điện tử lần đầu tiên xuất hiện cách đây chỉ 15 năm với sự ra mắt của Bitcoin vào năm 2009.

“Vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế John Plender, người đã viết trên tờ Financial Times vào tháng trước rằng, đợt tăng giá Bitcoin làm nổi bật những rủi ro tiềm ẩn mà tiền điện tử có thể gây ra cho các ngân hàng trung ương và sự ổn định tài chính toàn cầu. Đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến những người nắm giữ các vị trí có trách nhiệm lớn đối với công chúng”, ông cho biết.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button