Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định thu hồi đất vì lợi ích công cộng
Theo chuyên gia, Dự thảo liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.
Theo đó, thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có vai trò quan trọng trong quản lý và sử dụng đất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội và lợi ích cho cộng đồng dân cư, tuy nhiên, việc thu hồi đất này thực tế có vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không vẫn còn đó không ít băn khoăn.
Đặc biệt, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều tranh cãi, khiếu kiện bởi nhiều khi việc thu hồi chưa rõ ràng. Và thực tế cũng cho thấy, không ít các dự án bất động sản thực chất chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng được gắn mác “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Từ đó dẫn đến hiện trạng, nhiều diện tích đất của người dân được thu hồi với giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi mét vuông, thế nhưng, vẫn là diện tích đó, chủ đầu tư chuyển đổi, san lấp mặt bằng rồi bán ra với giá vài chục triệu đồng, tạo ra bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục hiện trạng đã nêu, Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã liệt kê cụ thể hàng trăm trường hợp, trong đó có các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: Xây dựng công trình công cộng, công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật; dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp…
Đánh giá về quy định đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc liệt kê có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng, song, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình; và chưa lường hết các trường hợp cần thu hồi để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện…
Theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, quy định của Dự thảo về thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn mập mờ, chưa rõ ràng. Nếu liệt kê các trường hợp thu hồi sẽ không thể liệt kê hết được, có khi càng liệt kê càng thiếu. Vì vậy, muốn xác định dự án có vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không chỉ cần căn cứ vào mục đích của dự án thu hồi đất.
“Theo đó, dự án không có lợi nhuận là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự án vì mục tiêu lợi nhuận, mang lại lợi nhuận cho một bộ phận, doanh nghiệp, một tổ chức thì đó không phải là vì lợi ích quốc gia công cộng”, vị chuyên gia này cho hay.
Đồng thời đề xuất, thay vì quy định cụ thể từng dự án thì nên xác định các tiêu chí làm thước đo để xác định mục tiêu của dự án – Dự án thu hồi đất có lợi nhuận hay không có lợi nhuận? Khi xác định được mục tiêu của dự án, sẽ áp dụng quy định bồi thường, thu hồi đất, chính sách ưu đãi… phù hợp.
“Dự án vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ có cách tiếp cận khác, áp dụng đơn giá đền bù khác. Không đánh đồng nó với các dự án mang lại lợi nhuận cho tư nhân, để thu hồi đất với giá rẻ”, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ.
Thực tế cho thấy, dù đã qua hai lần thảo luận tại Quốc hội (kỳ họp thứ 4 và thứ 5), quy định liên quan thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
Trong Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nêu rõ, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Dự thảo liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.
Đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm, nội hàm dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo góp ý của các đại biểu, Dự thảo Luật (sửa đổi) nên tiếp cận theo hướng, những dự án mang lại lợi ích cho nhân dân, những dự án do ngân sách Nhà nước thực hiện hoặc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án nhằm mục đích công cộng, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Cùng với đó, không ít ý kiến cũng đề nghị, làm rõ các điều, khoản để bảo đảm yếu tố thật cần thiết và vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Đánh giá về quy định này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm là bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng, tuy nhiên, nhược điểm của việc liệt kê quá cụ thể là khó bảo đảm bao quát, đầy đủ.