Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới
Ngày 17/10, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới nhằm thu thập thông tin và ý kiến từ các chuyên gia về một số nội dung của dự thảo luật, qua đó tiếp thu những góp ý, phản biện để đề xuất hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo căn cứ pháp lý và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện Bộ Lao động TB&XH và các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hà Thị Nga – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều quy định nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, đã cụ thể hóa được một số nội dung của Nghị Quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XV tới đây.
Tại Hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận những điểm mới của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm:
– Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp; người lao động làm việc không trọn thời gian có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; người lao động không giao kết hợp đồng lao động nhưng làm việc có tính chất quan hệ lao động…
– Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội: Quy định về đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ điều kiện (đủ 75 tuổi trở lên; và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác). Những khoản trợ cấp hưu trí xã hội này sẽ đảm bảo an toàn thu nhập cho mọi người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ – những người phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến tuổi già hơn so với nam giới do tuổi thọ cao hơn; Người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hữu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng.
– Quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bổ sung căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng 1/2 mức lương tối thiểu tháng của vùng cao nhất, căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng 1/2 mức lương tối thiểu tháng vùng thấp nhất. Có ý kiến cho rằng sự khác biệt về mức lương tối thiểu tháng làm giảm tính liên thông của bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện khi mà người lao động có thể di chuyển một cách linh hoạt giữa việc làm khu vực chính thức và việc làm khu vực phi chính thức trong thị trường lao động.
– Bổ sung chế độ trợ cấp thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo sự công bằng về chế độ thai sản giữa những lao động làm việc ở các khu vực khác nhau – chính thức và phi chính thức. Chế độ thai sản được bổ sung vào chế độ BHXH tự nguyện là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ này.
– Giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm tối thiểu hương lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho nhóm tham gia muộn (45-47 tuổi mới tham gia) hoặc tham gia không liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội…
Minh Quân