Du lịch sức khỏe – xu hướng du lịch phát triển mạnh trong tương lai
Tuy chưa được khai thác nhiều và phát triển chưa đồng bộ nhưng Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế phát triển tốt loại hình du lịch sức khoẻ.
Xu hướng “Wellness life” dịch ra là “sống khỏe” đang ngày càng được mọi người quan tâm và hướng đến. Với ngành du lịch, sau đại dịch COVID-19 có rất nhiều xu hướng du lịch mới đã phát triển và trong đó thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp “wellness travel” được Tổ chức Du lịch thế giới dự báo là một trong 6 xu hướng du lịch sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế phát triển tốt loại hình du lịch này tuy chưa được khai thác và phát triển chưa đồng bộ.
Theo đó, du lịch chăm sóc sức khỏe là sự kết hợp nhằm mang lại sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Du khách sẽ muốn được nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo năng lượng cũng như làm đẹp cho bản thân ngay cùng một điểm du lịch.
Việt Nam có lợi thế bờ biển dài phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh, có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú trải dài ở nhiều tỉnh thành cùng nền y học cổ truyền với nguồn thảo dược đa dạng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng được đánh giá cao cùng tri phí hợp lý so với nhiều nước lân cận.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho biết: “Thế mạnh về khám chữa bệnh và làm đẹp của Việt Nam, thứ nhất là chất lượng, thứ hai là sản phẩm. Cụ thể, nha khoa Việt Nam hiện nay làm rất tốt mà chi phí lại rẻ hơn so với nước ngoài, cùng với đó là chi phí khám bệnh, thuốc men cũng rất hợp lý cũng như mang lại hiệu quả cao. Bởi đã tận dụng hiệu quả môi trường sinh thái, thiên nhiên để đem đến những sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt, phục vụ cho sức khỏe con người”.
Phó cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam – ông Hà Văn Siêu nhận định: “Ở nước ta, lợi thế là có rất nhiều tài nguyên có thể phục vụ cho du lịch sức khỏe như: nước khoáng, khí hậu, ẩm thực, thảo dược,…Trên thực tế, các địa phương cũng như doanh nghiệp đã bắt đầu khai thác trở thành một sản phẩm mới. Đồng thời, trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam cũng xác định du lịch làm đẹp và chăm sóc sức khỏe là một trong những hướng đi nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ việc khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái vùng miền gắn với nông nghiệp nông thôn”.
Một số địa điểm có suối khoáng nóng củaViệt Nam rất được du khách yêu thích và quan tâm trong thời gian qua phải kể đến như: Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh), Trạm Tấu (Yên Bái), Mỹ Lâm (Tuyên Quang) hay Thanh Thủy (Phú Thọ)… Các sản phẩm du lịch này ngoài việc khai thác triệt để các công cụ của suối khoáng nóng vào việc chữa bệnh, phục hồi thể trạng thì còn kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc, làm đẹp truyền thống khác mà Việt Nam sẵn có. Ví dụ như: xông hơi tắm lá thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt trị liệu hay kết hợp du lịch tâm linh với khóa thiền để du khách có được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn, sự kết hợp này sẽ tạo nét khác biệt của sản phẩm.
Hiện nay, các công ty du lịch lữ hành trong nước cũng xây dựng những chương trình đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Cụ thể, theo ông Vũ Văn Tuyên, Phó chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ, qua khảo sát sau đại dịch covid rất nhiều du khách mong muốn được trải nghiệm, tận hưởng. Và họ coi du lịch sức khỏe là nhu cầu chính như là được tắm khoáng, tắm onsen thay vì trước đây đến để thăm quan.
“Đây là nhu cầu xuất phát sau đại dịch bởi sản phẩm du lịch sức khỏe của Việt Nam có nhiều chuỗi cung ứng, nhiều chuỗi dịch vụ đẳng cấp thế giới và tạo ra được một sản phẩm chính trong hành trình du lịch của khách. Chúng ta có thể tự hào để phát triển thị trường này”, Phó chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ.
Dưới góc độ một nhà nghiên cứu thị trường , ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á (ATI) cho rằng: “Nếu chuẩn bị một cách chu toàn cho hành trình của du khách trở nên cách trọn vẹn, để họ có thể trải nghiệm mọi dịch vụ trong những ngày nghỉ dưỡng thì sức hút từ du lịch gắn với thảo dược, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng mạnh mẽ”.
Tuy có nhiều thuận lợi phát triển nhưng Việt Nam vẫn chưa có định hướng rõ ràng trong định hướng quy hoạch tổng thể loại hình du lịch này. Theo đó, chưa có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thiếu các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp, thiếu các xếp hạng đánh giá tiêu chuẩn của các đơn vị quốc tế, đồng thời còn nhiều rào cản trong chính sách và đầu tư với loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Do đó, để biến những tiềm năng trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai thì cần phải giải quyết được những thách thức, khó khăn ở hiện tại để du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trở thành món ăn tinh thần, một lựa chọn không thể thiếu của mỗi du khách khi đến tới Việt Nam.