Du khách Việt siết hầu bao

Các thống kê chỉ ra du khách đang thắt chặt chi tiêu cho những chuyến đi chơi. Điều này khiến nhiều công ty lữ hành lo lắng.

Du khách Việt siết hầu bao
Du khách chụp ảnh với mai anh đào ở Đà Lạt. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Nhiều công ty lữ hành, không riêng chúng tôi, đều kỳ vọng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Đây là năm đầu tiên ngành du lịch không còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố dịch Covid-19. Tuy nhiên, lượng khách đăng ký thực tế không cao. Các bên khác cũng kêu rất nhiều”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cho biết.

Sức chi giảm sút

Báo cáo tình hình du lịch dịp Tết Nguyên đán Quý Mão của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra cho thấy trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 21/1 đến 26/1), toàn quốc ước tính phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2022).

Tuy nhiên, số khách lưu trú ước đạt 2 triệu lượt (giảm khoảng 37,5% so với cùng kỳ), công suất phòng trung bình ước đạt 40-45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ). Giá phòng ở các cơ sở lưu trú có tăng nhẹ 15-20% nhưng số ngày lưu trú của khách tương đối thấp (1-2 ngày), không xảy ra tình trạng cháy phòng.

“Thị trường du lịch trong nước năm nay không quá sôi động. Nhiều điểm du lịch rất ‘hot’ năm ngoái như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)… sát ngày vẫn thấy trống nhiều. Các đoàn đi Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) hay Hà Giang có nhỉnh hơn nhưng cũng không đáng kể”, ông Đạt nhận xét.

Du khách Việt siết hầu bao
Đường phố Hạ Long vắng vẻ suốt 5 ngày Tết. Ảnh: Quốc Nam.

Theo ông Đạt, lý do chính khiến du lịch Tết Nguyên đán không quá sôi động, số khách lưu trú ít là khó khăn kinh tế. Sức chi của du khách cá nhân hay công ty, đoàn thể đều giảm. Một lý do khác có thể kể đến là việc các cán bộ, công chức được yêu cầu không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết nhằm tránh ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả làm việc.

Điều này không chỉ xảy ra với thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.

“Các bức ảnh chụp ga đi quốc tế ngày đầu năm mới ở sân bay Tân Sơn Nhất đủ thấy lượng khách khá ít ỏi. Du khách hiện ưu tiên những điểm đến ngắn ngày, chi phí hợp lý. Bản thân công ty tôi cũng phải hủy một đoàn đi Nhật vì không gom đủ khách”, đại diện AZA Travel nói thêm.

Phía Flamingo Redtours cũng không ghi nhận sự bùng nổ về lượng khách trong Tết Nguyên đán năm nay. Tuy nhiên, đại diện công ty lữ hành này nhận thấy có một xu hướng mới: đi số lượng ít nhưng chất.

Du khách đi theo nhóm gia đình, chất lượng dịch vụ cao cấp, ưu tiên các tuyến điểm mới. Khách sẵn sàng chi trả ở mức cao để tận hưởng dịch vụ đẳng cấp 4-5 sao như tour Nhật – Hàn 8 ngày, giá tới hơn 170 triệu đồng/người.

Chờ đợi khách quốc tế

Thống kê chỉ ra số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh so với dịp Tết Dương lịch vừa qua. Đặc biệt, việc Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại từ 8/1 đã khiến thị trường du lịch quốc tế sôi động hơn. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30-40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.

Khánh Hòa đón 15 chuyến bay mỗi ngày đưa khách du lịch từ Trung Quốc tới. Mỗi chuyến sẽ có 180-220 khách du lịch. Tổng lượt khách quốc tế lưu trú trong 6 ngày Tết đạt 11.300 lượt.

Ninh Bình ghi nhận khoảng 29.500 lượt khách quốc tế ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn. Con số này với Hà Nội là 32.000 lượt. Lượng khách lưu trú tăng mạnh, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Pháp.

Du khách Việt siết hầu bao
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái hứa hẹn nhộn nhịp trong năm nay khi khách Trung Quốc trở lại. Ảnh: Nguyễn Dương.

Bà Rịa – Vũng Tàu phục vụ khoảng 10.688 lượt khách quốc tế lưu trú, đón gần 2.400 khách quốc tế “xông đất” bằng đường biển. Với Lào Cai, tổng thu từ khách quốc tế cũng đạt khoảng 23 tỷ đồng.

Trao đổi với Zing, đại diện AZA Travel nhấn mạnh việc Trung Quốc mở cửa du lịch sẽ tác động tốt tới cả thị trường inbound (khách quốc tế đến) và outbound (đưa khách đi nước ngoài). Bởi lẽ Trung Quốc luôn là thị trường có số lượng khách du lịch Việt Nam cao nhất trước dịch. Ở chiều ngược lại, khách Việt cũng sẽ có đa dạng lựa chọn du lịch nước ngoài hơn khi Trung Quốc mở cửa.

“Năm nay, tôi thấy mục tiêu của Việt Nam là đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, vì thị trường Trung Quốc đã mở lại, tôi nghĩ con số này nằm trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn. Thị trường outbound sẽ phục hồi dần, cao hơn năm ngoái nhưng khó đột phá vì sức chi bị giảm sút. Năm nay sẽ là năm bản lề để du lịch phục hồi sau đó”, ông Đạt nói.

Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button