Dự báo xu hướng tăng của giá vàng thế giới
Khi giá vàng vượt mốc 2.000 USD/oz, “hàng hóa đặc biệt toàn cầu” này được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng.
Nhu cầu vàng trên thị trường gia tăng
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) năm 2022, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là hai thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới.
Tại Ấn Độ, nhu cầu nhập khẩu vàng tại thị trường này liên tục tăng từ năm 2020 cho đến nay. Nếu năm 2020, giá trị nhập khẩu vàng vào Ấn Độ là 1.992,5 tỷ rupee, năm 2022 là 2.542,88 tỷ rupee thì sang năm 2021, con số này ước tính lên tới 3.440,94 tỷ rupee. Trong những chính sách từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa Ấn Độ và UAE, điều khoản hạn ngạch thuế quan vàng tạo cơ hội gia tăng sản lượng cho mặt hàng này. Trong 2 năm tài chính 2022 và 2023, Ấn Độ đã tăng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu vàng lên 110 tấn, dự kiến nâng lên 140 tấn trong năm 2024.
Tại Trung Quốc, thị trường tỷ dân này đã liên tục gia tăng khối lượng vàng dự trữ từ đầu năm 2023 đến nay. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tính đến tháng 10/2023, Trung Quốc đạt khối lượng vàng dự trữ vào khoảng 2.165 tấn vàng, tương đương 4% mức dự trữ vàng toàn cầu.
Áp lực từ biến động địa chính trị
Khi chế độ bản vị vàng còn áp dụng, vàng vừa là tài sản dự trữ, vừa là vật ngang giá trung gian để trao đổi hàng hóa trên thị trường. Vốn dĩ vàng được xem như một loại “hàng hóa đặc biệt toàn cầu” bởi sự phổ biến, giá trị ổn định và đặc tính ít bị mất giá theo thời gian. Trong hoạt động đầu tư, vàng là mặt hàng an toàn cho các nhà đầu tư trú ngụ khi nền kinh tế – chính trị có sự biến động.
Hiện nay, khi áp lực trong mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga-Ukraine và Israel-Hamas không ngừng leo thang, vàng lại trở thành mặt hàng ưa thích của giới tài chính, kể cả đầu tư trung dài hạn hay đầu cơ ngắn hạn.
Theo đó, các nhà đầu tư cá nhân đang khá lạc quan với kịch bản tăng giá của vàng. Về phía nhà đầu tư tổ chức cũng bắt đầu có những động thái khi chuyển nguồn vốn sang mua vàng. Sau các phiên bán với khối lượng hơn 14 tấn, Quỹ ETF SPDR Gold Trust (GLD) mua ròng 15 tấn vàng trong phiên giao dịch ngày 20/10, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 863,2 tấn vàng.
Giá cổ phiếu một số quỹ lớn khác như Quỹ iShare Gold Trust (IAU), Quỹ ETF Securities Gold Bullion Securities (GBS), Quỹ ETF PowerShares DB Gold (DGL), Quỹ Granite iShares Gold Trust (BAR) cũng đang ở vùng giá cao với khối lượng trung bình cao được duy trì.
Đồ thị giá vàng vượt đỉnh
Vào tháng 08/2020, giá vàng ghi nhận 2.074,88 USD/oz, mức cao nhất mọi thời đại của hàng hóa này. Theo đồ thị kỹ thuật đo lường qua từng tháng, đường giá có sự biến động nhưng chung quy vẫn hướng lên thể hiện xu hướng tăng của giá vàng. Gần đây, giá vàng liên tục chạm đỉnh và nhu cầu thị trường vẫn đang ở mức cao cho thấy những tín hiệu vượt đỉnh sắp xảy ra.
Theo các đánh giá tình hình vĩ mô toàn cầu và dự báo của những nhà phân tích từ Trading Economics, giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng và giao dịch ở mức 2074,16USD/oz trong vòng 1 năm tới.