Dòng tiền đổ vào cổ phiếu TCB
Với góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng, dòng tiền đã tham gia bắt đáy và đổ vào cổ phiếu TCB – Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Theo phân tích kỹ thuật từ ở vùng 30.000 – 31.000 đã tạo đáy cho thấy cổ phiếu TCB đã có nhịp hồi phục mạnh mẽ, cổ phiếu này khi quay trở lại xu hướng tăng.
Phiên giao dịch ngày 10/1, TCB tăng tới vùng giá 34.400 đồng/cp với khối lượng giao dịch khớp lệnh 7,1 triệu đơn vị, tổng giá trị 241 tỷ đồng. Các phiên giao dịch đầu tháng 1, cổ phiếu TCB liên tục khớp lệnh với khối lượng và thanh khoản lớn cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư tới cổ phiếu TCB. Đây là cổ phiếu của một ngân hàng tư nhân có thị giá cao nhất và quy mô chỉ xếp sau nhóm Big 3 ngân hàng có vốn Nhà nước đang niêm yết.
Báo cáo nhận định về cổ phiếu TCB của Công ty Chứng khoán KBSV cho thấy, tăng trưởng tín dụng của Techcombank khả quan nhờ hạn mức được cấp mới. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận vượt trội so với mức trung bình ngành, được dẫn dắt chủ yếu từ cho vay lĩnh vực bất động sản. Dư nợ của mảng ReCom (BĐS, Xây dựng và Vật liệu Xây dựng tính đến cuối quý III tăng 26,5% , đóng góp 71% trong cơ cấu tín dụng phân khúc khối khách hàng doanh nghiệp. Ngược lại, tín dụng cấp cho mảng khách hàng cá nhân ghi nhận sụt giảm 6.5% chủ yếu đến từ mức giảm 13% vay mua nhà do cầu yếu.
Theo chia sẻ từ ngân hàng, cho vay mua nhà đang dần ổn định trở lại nhờ các dự án thứ cấp được mở bán mới trong những tháng gần đây. Do vậy KBSV duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng của TCB rất khả quan. Trong năm qua, NHNN có chỉ đạo cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đáp ứng một số yêu cầu nhất định. TCB cũng là một trong những ngân hàng được cấp thêm. Tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% trên tổng mức hạn mức được cấp 14%, TCB đã gần như giải ngân hết hạn mức tín dụng. KBSV kỳ vọng với hạn mức được cấp mới, tăng trưởng tín dụng năm 2023 ngân hàng có thể đạt 15-17%.
Về tỷ lệ nợ xấu của TCB đã tăng từ 1,1% trong quý trước lên 1,4%. Nợ xấu của nhóm khách hàng bán lẻ tăng từ 1,96% lên 2,47% trong quý này, đặc biệt là phân khúc vay mua nhà do nguồn thu của khách hàng sụt giảm nên ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Nợ xấu nhóm khách hàng SME cũng ghi nhận tăng đáng kể từ 1,51% lên 2,16% trong khi nhóm khách hàng lớn không phát sinh nợ xấu. TCB tăng trích lập dự phòng trong quý vừa rồi (tăng 83,7%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về 93% từ mức 116% quý II/2023.
Ngoài ra do danh mục cho vay của TCB chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nên chất lượng tài sản sẽ cần quan sát thêm tuỳ vào mức độ hồi phục của thị trường này trong thời gian tới. Đây cũng được xem là một trong những rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu TCB. Tuy nhiên, theo KBSV , khách hàng mà TCB cấp tín dụng đều là những chủ đầu tư, doanh nghiệp lớn trong ngành được ngân hàng theo dõi và giám sát kỹ lưỡng chu trình cho vay cũng như tài sản đảm bảo. Nhờ vậy, TCB chưa từng có lịch sử phát sinh nợ xấu đối với nhóm khách hàng này.
Phân tích kỹ thuật, KBSV cho rằng cổ phiếu TCB đã thoát ra khỏi xu hướng giảm khi tạo được một CHOCH (thay đổi cấu trúc giá) phá vỡ khỏi vùng swing-high ở mức giá 32.150đ/cp, cùng với một nến Marubozu white tiếp nối là tín hiệu xác nhận. Trên khung đồ thị tuần, TCB cũng cho các tín hiệu tương tự ủng hộ cho xu hướng tăng mới của TCB cả ngắn hạn và dài hạn. Mặc dù RSI và MACD đang đều ở vùng khá cao nhưng hai chỉ báo này đều chưa cho dấu hiệu tạo đỉnh và suy yếu trong ngắn hạn.
Do vậy, nhà đầu tư có thể mở mua TCB quanh vùng giá 31.000-32.000 đồng/cp . Trên khung đồ thị giờ, các chỉ báo RSI và MACD đều chưa có dấu hiệu tạo đỉnh cùng với dòng tiền lớn tiếp tục dồn về TCB cũng như ngành ngân hàng nói chung. Trên khung đồ thị ngày, TCB đang hình thành những dấu hiệu mạnh mẽ ủng hộ cho việc bứt phá khỏi đỉnh năm 2023.
Kết hợp 2 phương pháp định giá là P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu TCB. Phương pháp định giá P/B Hiện tại cổ phiếu TCB đang giao dịch ở mức P/B 0.9x, KBSV cho rằng mức giá này đã và đang phản ánh những điều kiện khó khăn trong năm vừa qua. KBSV kỳ vọng mức P/B mục tiêu năm 2024 thận trọng ở mức 1.1x, tương ứng với những triển vọng và rủi ro tiềm ẩn của ngân hàng trong thời gian tới. Với phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư, nhóm phân tích tiếp tục kết hợp sử dụng thêm phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư để phản ánh rủi ro hệ thống và kỳ vọng dài hạn.
KBSV đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của lĩnh vực BĐS cũng như những nỗ lực tháo gỡ khó khăn pháp lý của Chính phủ với thị trường này. TCB với những lợi thế cạnh tranh đặc biệt về công nghệ số hoá; hệ sinh thái tiềm năng và tiên phong trong lĩnh vực cho vay BĐS; xứng đáng được tái định giá ở mức hợp lý hơn. Kết hợp hai phương pháp định giá trên với tỉ lệ 50-50, KBSV điều chỉnh nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu TCB là 41.000 đồng/cổ phiếu.