Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng sẽ là cách trực tiếp nhất để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, có thể nói tất cả những giải pháp từ cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện chính sách đến công tác cải cách hành chính đã và đang được ngành Ngân hàng phối hợp một cách đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng đã có tín hiệu tích cực hơn. Cùng với đó, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khách hàng cũng có tín hiệu tăng lên. Khai thác để biến nhu cầu thành động lực tiếp cận và giải ngân tín dụng là yếu tố cần để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khoảng thời gian ngắn còn lại của năm 2023. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong các giải pháp đó, giải pháp tăng trưởng tín dụng có ý nghĩa quan trọng và trực tiếp. Song khác với mọi năm và khác với những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế do khủng hoảng hay thiên tai dịch bệnh, những khó khăn thách thức hiện nay phức tạp và khó đoán định, mang tính khách quan và tác động từ bên ngoài trong mối liên hệ hội nhập kinh tế quốc tế, mối liên hệ của nền kinh tế mở. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng các yếu tố nội lực, với các giải pháp chủ động sẽ phát huy hiệu quả và từng bước mang lại những kết quả tích cực.

“Theo thống kê của NHNN, đến ngày 29/9/2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Tuy nhiên tín dụng vẫn còn tăng chậm hơn năm ngoái, do rất nhiều nguyên nhân”

Hoạt động tín dụng và tăng trưởng tín dụng cũng không nằm ngoài quá trình, những yếu tố khách quan về tăng trưởng kinh tế, về khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, về thị trường tiêu thụ tiếp tục tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng trong mối quan hệ ngân hàng – khách hàng. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ chủ động, cần tiếp tục tận dụng và phát huy, phát triển những yếu tố tích cực để biến trở thành động lực cho tăng trưởng tín dụng 3 tháng còn lại của năm và những tháng đầu năm 2024, tháng giáp tết âm lịch cổ truyền. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm về giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và gói tín dụng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, của NHNN và của UBND các tỉnh, thành phố; các gói tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS bằng chính sách tín dụng đối với nhà ở xã hội; lĩnh vực lâm sản thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực lương thực thực phẩm… với tinh thần trách nhiệm thực thi và yêu cầu về tuân thủ trong tổ chức triển khai thực hiện cơ chế chính sách.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn dịp cuối năm cho doanh nghiệp. Đồng thời tập trung làm tốt chương trình tín dụng cho vay bình ổn thị trường, đáp ứng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường nhằm đạt được đồng thời mục tiêu đáp ứng cung cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dịp cuối năm cũng như giữ ổn định giá cả hàng hóa dịp cuối năm, qua đó hỗ trợ và thực hiện tốt chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính lĩnh vực ngân hàng bằng các hành động cụ thể thiết thực trong giải ngân cho vay; thẩm định xét duyệt khoản vay; rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng; có chính sách phí phù hợp, hợp lý trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để thực hiện tốt giải pháp này và bằng hành động cụ thể thiết thực, mang lại trực tiếp lợi ích cho khách hàng, cho doanh nghiệp.

Thứ tư, làm tốt hoạt động thông tin truyền thông; tư vấn và chăm sóc khách hàng dịp cuối năm. Đây là giải pháp không mới song việc tổ chức thực hiện tốt dịp cuối năm sẽ mang lại ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện: từ đáp ứng tốt nhu cầu vốn dịch vụ ngân hàng cho khách hàng đến bảo đảm hệ thống thanh toán vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả. Làm tốt thông tin tư vấn và chăm sóc khách hàng không chỉ phục vụ khách hàng mà còn giúp hạn chế rủi ro và phòng ngừa tội phạm lĩnh vực ngân hàng.

Những giải pháp trên hoàn toàn thực hiện được và có thể thực hiện tốt bởi đó là các giải pháp chủ động và phụ thuộc vào yếu tố con người và khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, phát huy vai trò trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tại mỗi TCTD trong triển khai và thực hiện sẽ tạo điều kiện phát huy các yếu tố tích cực về tính thời vụ dịp cuối năm, về những chuyển biến của một số ngành lĩnh vực, về kết quả tăng trưởng kinh tế… trở thành động lực cho tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm và là cơ sở nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2024.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button