Đối tác Công – Tư trong xây dựng tháp nhân lực công nghiệp bán dẫn
Ngày 4/5/2024 tại Hà Nội, Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ/Ban ngành, đại diện Đại sứ quán Mỹ, các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn: Synopsys, Qualcomn, Panasonic, CoAsia, Qorvo… cùng các chuyên gia, kĩ sư hàng đầu trong ngành vi mạch, đến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế: Chang Gung University (CGU) – Đài Loan, Trường Đào tạo bán dẫn SiCADA (Synopsys), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội…
Nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu, là tiền đề, là động lực thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Ở chiều ngược lại chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này”.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt. Đây là cơ hội cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kĩ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới…
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam…
Cũng tại Hội thảo, Tập đoàn Phenikaa và các đối tác đã công bố những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam: Thành lập liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công – tư (PPP); Giới thiệu Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, tập trung đào tạo chuyên sâu và nâng cao kĩ năng và Công ty S-Phenikaa, công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch.
Đối tác Công – Tư trong đào tạo, phát triển nhân lực
Theo PGS.TS Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa, Chương trình hành động cụ thể của Phenikaa và các đối tác tập trung vào năm điểm khác biệt. Đó là, đào tạo theo đơn hàng và nhu cầu của thị trường. Thứ 2 xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2040. Với mục tiêu cụ thể tới năm 2030, đào tạo ra tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư/ kĩ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế trong các nhà máy lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành. Thứ 3, Thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Thứ 4, liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công tư. Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa (đại diện bởi Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn) và Thành phố Đà Nẵng (đại diện bởi Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI), theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Thứ 5, kết nối và hợp tác chặt chẽ với các đối tác uy tín trong nước và quốc tế.
Ngay tại Hội thảo đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Phenikaa với các trường đại học danh tiếng như Arizona State University – Hoa Kỳ, Chang Gung University Đài loan, các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty CP Công nghệ VMO Holding…, nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.
Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo, chip bán dẫn là ngành công nghiệp mang tính toàn cầu. Để phát triển ngành tương xứng với tiềm năng và lợi thế, cần có sự huy động và phát huy tổng hòa nguồn lực quốc gia giữa Nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp và các nguồn đầu tư, hợp tác quốc tế.
PGS.TS Hồ Xuân Năng cho biết, tham gia vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn được xem là bước đi chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững của Tập đoàn Phenikaa và là bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ đang được Tập đoàn chú trọng.
“Đây còn là trách nhiệm, khát vọng của Tập đoàn được chung tay cùng Chính phủ xây dựng tháp nhân lực vi mạch bán dẫn, ươm tạo tài năng vi mạch bán dẫn lành nghề, thúc đẩy gia tăng đội ngũ kĩ thuật ở mức tổng công trình sư, làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh, góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nền kinh tế quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ đến 2030 và tầm nhìn đến 2040 và 2050”, PGS.TS Hồ Xuân Năng khẳng định.
Minh Quân