Doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu rau quả “về đích”

Xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, dự báo xuất khẩu rau quả sẽ sớm vượt mốc 5 tỷ USD, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng, vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Theo ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Gia, những tháng cuối năm, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng tới 30% khiến công nhân phải tăng ca cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ.

Doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu rau quả

Đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng tới 30% khiến công nhân phải tăng ca cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ.

Trên thực tế, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2023 đạt 608,8 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 9/2023, nhưng tăng 99,8% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,8 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước, mặc dù tháng 10/2023 giảm so với tháng 9/2023, nhưng vẫn tăng rất mạnh so với tháng 10/2022. Điều này góp phần nâng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt khoảng 5,8 đến 6 tỷ USD trong năm 2023.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 10 tháng năm 2023 và có tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng tăng đáng kể trong 10 tháng năm 2023.

Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 10/2023 có thể đạt mức cao kỷ lục từ 450 – 500 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá trị sầu riêng xuất khẩu lên tới 2,2 tỷ USD.

Với kết quả trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo trong hai tháng cuối năm, nước ta có thể thu về khoảng 200 – 300 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm lên 2,4 – 2,5 tỷ USD.

Bên cạnh sầu riêng, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả bởi theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các loại trái cây như dứa gai, dưa bao tử, vải thiều. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường EU, châu Á và một số nước như Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan… với số lượng lớn. Mục tiêu của doanh nghiệp trong năm 2023 là xuất khẩu đạt 4 triệu USD, đến thời điểm hiện nay, giá trị xuất khẩu đã đạt 3 triệu USD. Vì vậy, doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho các đối tác nước ngoài.

Tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, các doanh nghiệp dự báo xuất khẩu rau quả sẽ sớm vượt mốc 5 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.

Doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu rau quả

Xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, các doanh nghiệp dự báo xuất khẩu rau quả sẽ sớm vượt mốc 5 tỷ USD.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…

Năm nay, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Không chỉ vậy ngày càng nhiều quốc gia dựng lên các rào cản kỹ thuật yêu cầu chất lượng nông sản phải được nâng cao. Nói như ông Nguyễn Đình Quý, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK Thành Công VINA: “Chúng tôi đã tới từng thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiêu chuẩn của họ đều rất khắc khe, không có chuyện thị trường nào “dễ tính” hay du di. Do đó, nông sản xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng. Cần tuyên truyền cho bà con nhân dân trồng đúng cách và đúng chất lượng”.

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhận định, việc đầu tư chế biến các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt chinh phục các thị trường khó tính sẽ giúp ngành rau quả nước ta tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn.

Điển hình tại Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang, nhờ chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch, nên sản phẩm của đơn vị làm không đủ bán vì các đối tác như Nhật Bản, EU khá ưa chuộng.

5,5 tỷ USD là kim ngạch mà toàn ngành rau quả phấn đấu đạt được trong năm nay. Một khi tận dụng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường bằng những sản phẩm rau quả ngon, chất lượng thì con số này hoàn toàn có thể đạt được.

Theo Bộ NN&PTNT, muốn xuất khẩu đi các thị trường lớn, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường Mỹ, EU. Do đó, nông sản Việt ngoài đảm bảo chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa. Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button