Doanh nghiệp Việt trúng gói thầu lớn 300.000 tấn gạo xuất sang Indonesia
Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia thông báo 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm với số lượng 300.000 tấn, chiếm 60% sản lượng tổng gói thầu.
Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo có 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 300.000 tấn gạo xuất khẩu sang thị trường Indonesia trong đợt phát thầu nhập khẩu gạo đầu năm 2024 của nước này.
Đầu tháng 1/2024 Bulog thông báo đấu thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong tháng 1 để tăng dự trữ lương thực. Tiêu chuẩn gạo tham gia dự thầu phải được lấy từ vụ mùa 2023/2024 và được xay xát không muộn hơn sáu tháng trước.
Các nguồn gốc cung cấp được chấp nhận, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đến ngày 1/2, Bulog công bố các doanh nghiệp trúng thầu. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm, chiếm 60% sản lượng tổng gói thầu.
Trong số các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu đợt này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trúng nhiều nhất với 65.000 tấn. Giá gạo trúng thầu mức thấp nhất của Việt Nam khoảng 648 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển.
Các doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải giao hàng trong tháng 2 và 3/2024, thời điểm Việt Nam thu hoạch rộ lúa gạo vụ Đông Xuân.
Cuộc đấu thầu gạo mới lần này cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ Indonesia trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Trước đó, trong cuộc đấu thầu vào tháng 12/2023, Bulog cũng đã mua hơn 500.000 tấn gạo có nguồn gốc từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Năm 2023, Indonesia đã phê duyệt hạn ngạch nhập khẩu 3,8 triệu tấn gạo nhưng Bulog chỉ mới mua được 2,74 triệu tấn; trong đó, có hơn 1 triệu tấn gạo Việt Nam.
Mới đây, chính phủ nước này cũng đã phê duyệt hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024, cộng lượng hạn ngạch cũ và hạn ngạch mới trong năm 2024, tổng lượng gạo Bulog sẽ phải mua vào lên đến 3,06 triệu tấn gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đang cao nhất thế giới với 653 USD/tấn, gạo Việt Nam là 639 USD/tấn và Pakistan là 637 USD/ tấn.
Về tình hình trong nước, doanh nghiệp dự báo sau Tết Nguyên đán, khi Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch Đông Xuân, giá cả sẽ ổn định hơn nhờ sản lượng dồi dào.
Trong khi đó, tại Indonesia, hạn hán kéo dài do hiện tượng thời tiết El Nino ước tính làm giảm 2% sản lượng gạo của Indonesia vào năm 2023, trong khi việc gieo trồng cho vụ thu hoạch chính năm 2024 đã bị trì hoãn.
Cơ quan khí tượng BMKG của Indonesia dự báo hiện tượng El Nino sẽ duy trì đến đầu năm 2024, giảm dần và kết thúc vào tháng 4. Sản lượng lúa tháng 1/2024 của quốc gia này ước tính ở mức 930.000 tấn, tháng 2 ước tính 1,32 triệu tấn, so với mức tiêu thụ hàng tháng là 2,54 triệu tấn.
Dữ liệu từ Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (NFA) cho thấy tồn trữ gạo của nước này vào cuối năm 2023 đạt 7,46 triệu tấn, bao gồm cả lượng gạo tồn trữ của các hộ gia đình và người bán buôn. Sarwo Edhy, quan chức cấp cao của NFA cho biết: “Dự trữ sẽ đủ cho đến tháng 3, trong khi vụ thu hoạch chính có thể bị trì hoãn cho đến tháng 4 và tháng 5”.
Một số chuyên gia dự báo giá gạo sẽ vẫn neo cao trong năm 2024. Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sau cuộc bầu cử và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có thể kéo dài tới giữa năm nay.