Doanh nghiệp thuỷ sản thiếu vốn

Vốn và lãi suất là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp thuỷ sản trong khi thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng lại rất chậm trễ.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp thuỷ sản (VASEP) đã chia sẻ tại toạ đàm trao đổi về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam sau 3 năm thực hiện Hiệp định CPTPP.

Theo VASEP, khai thác hiệu quả thị trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có hiệp định CPTPP, thị phần xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam mở rộng. 10 quốc gia là đối tác của Việt Nam trong CPTPP chiếm 25% xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2020 – 2021 và tăng lên 30% trong năm 2022 trong tổng xuất khẩu gần 11 tỷ USD của ngành. Đây là con số tăng trưởng đáng khích lệ.
Doanh nghiệp thuỷ sản thiếu vốn
Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam (ảnh: H.L)

Nhìn vào sâu bên trong nhóm ngành hàng, lợi thế lớn được doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng, trước hết là thuế quan, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh với chúng ta. Trong cấu trúc, 3 thị trường chính là Nhật, Australia, Canada chiếm khoảng 85% thị phần của khối CPTPP.

Trong đó, Nhật Bản là thị trường truyền thống trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Ngoài nhập hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam thuần túy, thị trường Nhật Bản xuất khẩu nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất hoặc gia công xuất khẩu. Các doanh nghiệp tận dụng khai thác hiệu quả hiệp định này để gia tăng xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng như các ngành hàng Việt khác có nội lực xuất khẩu đều phải đối mặt nhiều hơn với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác cùng xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản. VASEP xác định có từ 5-7 quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam.

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có mức độ hội nhập nhất định, thì vấn đề kỹ thuật trên không phải quá lớn. Ngoài ra, trong hiệp định CPTPP, các vấn đề khác tạm gọi là trở ngại liên quan đến kỹ thuật cũng không quá lớn để tạo cản trở cho xuất khẩu thuỷ sản

Cái khó nhất hiện nay của ngành thuỷ sản, theo Phó Tổng thư ký VASEP, ở thời điểm cuối năm chính là tiếp cận vốn. Ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang đối mặt với lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm rất mạnh, bắt đầu từ quý 4 năm 2022 sang quý 1 năm 2023.

Doanh nghiệp thuỷ sản thiếu vốn
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản

“Chúng tôi rất ủng hộ các biện pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời điểm này nhưng với các doanh nghiệp, tiếp cận vốn là vấn đề cũng rất quan trọng trong lúc này. Không thể dàn hàng ngang tất cả nhóm ngành hàng để áp dụng chung một chính sách. Trong xuất khẩu đặc biệt gắn với nông nghiệp cần được tiếp cận vốn như bình thường, thậm chí nhiều hơn, trong đó có vấn đề về lãi suất phù hợp. Còn như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy vốn và lãi suất đang tạo ra áp lực rất lớn” – ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Thứ hai, về vấn đề nguyên liệu. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành thuỷ sản mà liên quan đến chuỗi cung ứng. Trong  khó khăn về nguyên liệu, gốc rễ chính là các chi phí và chính sách của Nhà nước có thể điều chỉnh vào lúc này là phù hợp. Chẳng hạn như một số chính sách tốt đã được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, không những kịp thời mà cần đủ dài.

Trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn trong tiếp cận vốn thì cơ chế, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lại kéo dài và rủi ro cho các doanh nghiệp. Không chỉ ngành thuỷ sản, một số ngành hàng xuất khẩu đang vướng trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Nhưng, theo Phó Tổng thư ký VASEP, chỉ đạo của các bộ ngành có liên quan để giải quyết hoặc rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp lại đang rất chậm chễ.

Ngoài ra đơn hàng đang sụt giảm nhiều đã kéo theo một vấn đề của xã hội là giảm việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp không thể chấm dứt hợp đồng với nhân viên vì nguồn lao động rất quan trọng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn phương án giãn việc, bố trí làm luân phiên, cố gắng chi trả lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

“Vấn đề khó với các doanh nghiệp là các khoản đóng theo lương, tạo áp lực thứ hai với doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng  xem xét quy định 2% quỹ lương cho để giảm xuống mức tối đa 1% trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đây là trợ lực lớn để tăng thêm sức mạnh cạnh tranh cho các doanh nghiệp” – ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button