Doanh nghiệp quyết định giá bán xăng dầu: Trao quyền trong tầm kiểm soát
Khi trao quyền cho doanh nghiệp trong việc quyết định phần biến độmg của giá xăng dầu, Nhà nước cần thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn việc tăng giá không hợp lý.
Trong 10 năm qua, với ba lần bổ sung và sửa đổi, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển cạnh tranh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để phản ánh chính xác hơn những thách thức và yêu cầu của thị trường hiện đại, các quy định cũ cần được sửa đổi và bổ sung, đòi hỏi sự hợp nhất thành một Nghị định mới với những nội dung cập nhật, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật dễ dàng hơn.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng làm rõ các thông tin chi tiết quá trình xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo Nghị định đã được trình lên Chính phủ, với một số đổi mới quan trọng như khuyến khích doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu dựa trên nguyên tắc và khung giá do Nhà nước đề ra, đồng thời tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng với cơ chế hoạt động mới.
Cơ quan soạn thảo đề xuất, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu sẽ được thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức. Cụ thể, giá bán xăng dầu tối đa bằng = giá xăng dầu thế giới nhân với tỷ giá ngoại tệ cộng thuế nhập khẩu, cộng thuế tiêu thụ đặc biệt, cộng thuế bảo vệ môi trường, cộng thuế giá trị gia tăng, cộng tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dự thảo nhấn mạnh việc xây dựng một cơ chế mới cho Quỹ Bình ổn xăng dầu, bao gồm cả việc trích lập và sử dụng quỹ một cách minh bạch, hiệu quả, để đảm bảo ổn định giá cả và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này được kỳ vọng sẽ thay thế các quy định hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Theo một vị chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giá, việc đề xuất cơ chế cho phép các doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá xăng dầu đánh dấu một bước tiến mới trong quản lý và điều hành giá nhiên liệu. Điều này sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức quản lý giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao quyền tự quyết định giá bán cho các doanh nghiệp này, để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trên thị trường.
Trong dự thảo về cơ chế giá xăng dầu mới, Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục quản lý các yếu tố cố định trong cơ cấu tính giá, trong khi các doanh nghiệp được quyền tự quyết định về các yếu tố biến động như chi phí kinh doanh. Mặc dù các yếu tố cố định đã được quy định rõ ràng, nhưng khi trao quyền cho doanh nghiệp trong việc quyết định phần biến động của giá, Nhà nước cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn việc tăng giá không hợp lý.
Điểm đáng chú ý là hiện trong lĩnh vực xăng dầu, có một số doanh nghiệp lớn tiếp tục duy trì sự kiểm soát thị trường, quyền lực được trao cho họ trong việc xác định giá cả cũng dấy lên mối lo ngại về việc họ có thể thiết lập cơ chế riêng, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sự công bằng, từ đó gây ra tác động tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của thị trường.
“Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng dự thảo nghị định mới, thay thế cho những nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Điều này yêu cầu một bước đi quan trọng là phải đánh giá tổng thể về những thành công và hạn chế trong cách thức quản lý và điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua.
Đánh giá này sẽ là cơ sở để đề xuất những sửa đổi phù hợp, nhằm cải thiện và đổi mới toàn diện cả về cơ chế hoạt động kinh doanh, cơ cấu giá, cũng như vai trò và cơ chế vận hành của quỹ bình ổn xăng dầu. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo một thị trường xăng dầu minh bạch, công bằng và hiệu quả, phản ánh chính xác những biến động của thị trường quốc tế, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc quản lý giá xăng dầu một cách khoa học và chính xác. Ông cho rằng, muốn đảm bảo sự ổn định trên thị trường xăng dầu thì cơ quan quản lý Nhà nước phải xác định một khung giá phù hợp, ngăn chặn việc thiết lập khung giá quá rộng, có thể dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt đẩy giá bán sát mức trần cho phép, loại bỏ khả năng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn