Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn chưa hết lao đao
Giá thịt heo giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, cùng với dịch bệnh quay trở lại…đã khiến các doanh nghiệp ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn.
Trong số các doanh nghiệp ngành chăn nuôi có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý III năm nay, dẫn đầu là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC), một “ông lớn” trong ngành chăn nuôi.
Cụ thể trong quý III, DBC mang về 2.709 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 12 tỷ đồng, giảm mạnh đến 94% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân của sự chênh lệch lớn giữa hai kỳ kế toán là do cùng kỳ năm trước, công ty mẹ thực hiện ghi nhận một phần doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của DBC đạt 8.496 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Do quý I lỗ nặng 321 tỷ đồng nên lợi nhuận 9 tháng của DBC chỉ đạt gần 19 tỷ đồng, bằng 8,3% kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ hai là Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF), với mức sụt giảm gần 75%. Theo đó, trong quý III/2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt gần 1.219 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 74,6% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.625 tỷ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 17,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do doanh nghiệp cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín, đúng theo chiến lược đề ra.
Bên cạnh đó, giá bán từ đầu năm duy trì ở nền thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, các trang trại mới được đưa vào vận hành trong năm nay, công ty đã giữ lại được lượng heo cai sữa để nuôi bán thịt thay vì phải bán heo cai sữa như trước đây.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản – Vissan (UpCOM: VSN) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm 2 con số. Cụ thể, quý III/2023, VSN mang về 823 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm hơn 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ là do sản lượng bán ra giảm khiến cho doanh thu giảm, đồng thời, giá bán trong quý III cũng giảm tương ứng theo sản lượng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của VSN đạt hơn 2.543 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 87,7 tỷ đồng, cũng giảm tương đương 10% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG), mặc dù kết quả kinh doanh chung không quá ảm đạm, khi trong quý III, doanh nghiệp này mang về 1.889 tỷ đồng doanh thu (doanh thu từ mảng heo của HAG đạt 491 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ), và 320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 31% và giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này của HAG lại không đến từ mảng chăn nuôi, cụ thể là “heo ăn chuối”, mà đến từ khoản lợi nhuận khác gần 127 tỷ đồng, nhờ thanh lý tài sản cố định (chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai).
Kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong quý III năm nay diễn ra trong bối cảnh giá thịt heo liên tục sụt giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể.
Theo Chứng khoán VCBS, giá thịt heo sau khi tăng mạnh lên mức 64.000 – 65.000 đồng/kg hồi đầu tháng 7 đã giảm mạnh gần đây, chỉ còn 54.000 – 55.000 đồng/kg vào cuối quý III, và vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Nguyên nhân được VCBS chi ra là do, giữa tháng 7 là tháng 7 âm lịch, số lượng người ăn chay gia tăng khiến nhu cầu thịt heo giảm. Trong khi, tháng 8, dịch tả heo châu Phi có xu hướng quay trở lại tại một số địa phương khiến người dân bán lượng heo lớn ra thị trường, trong khi sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu.
Ngoài ra, trong tháng 9 là mùa tựu trường, gánh nặng chi phí như sách vở, học phí, quần áo,… khiến các bậc phụ huynh tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập vốn eo hẹp.
Đánh giá về triển vọng của giá thịt heo, Công ty Chứng khoán này nhận định, giá thịt heo tiếp tục duy trì ở mức thấp trước khi tăng nhẹ trở lại vào đầu năm 2024. Theo đơn vị này, Tết Nguyên đán thường là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt heo mạnh nhất trong năm, cùng với đó mức lương cơ bản tăng có thể là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ dịp cuối năm.
“Đợt dịch mới có thể khiến thiếu hụt một lượng nhỏ nguồn cung heo cho cuối năm nhưng sẽ không tác động nhiều đến giá do đàn nông hộ giảm nhiều nhưng các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được đàn tốt”, VCBS đánh giá.