Doanh nghiệp loay hoay đổi mới sáng tạo
Nguồn lực hạn chế, cơ chế, chính sách còn những điểm nghẽn… khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trước những thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố mang tính sống còn giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh, tăng trưởng nhanh. Trong đó, động lực và phương thức thực hiện đổi mới sáng tạo hiệu quả là thông qua khoa học công nghệ.
Từ doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo lan toả tích cực tới nền kinh tế. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân…
Tuy nhiên, kết quả khảo sát do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) thực hiện cho thấy, mức độ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tương xứng, chưa bắt kịp xu hướng và sự phát triển nhanh của công nghệ. Do đó, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp chưa cao, chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Lý do chính của thực trạng trên là đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chưa thay đổi nhận thức và tư duy để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Theo thước đo trình độ công nghệ từ mức 1 – 5, hiện chúng ta đang ở mức 2,5 trong khi các nước như Hàn Quốc đang ở mức 4, thậm chí nhiều lĩnh vực khác công nghệ đạt đến mức hiện đại nhất thế giới.
Đầu tư cho R&D của Việt Nam cũng chưa cao, chiếm 0,6 % GDP, bằng 1/3 mức đầu tư của Hàn Quốc. Do đó, theo WB, phát minh sáng chế của chúng ta ít hơn khá nhiều so với các nước trong ASEAN; ở mức trung bình so với các nước có cùng thu nhập. Bằng sáng chế phần lớn do tổ chức nước ngoài đăng ký sở hữu, còn trong nước chưa nhiều.
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đa số ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số đòi hỏi ít về nghiên cứu sâu, nghiên cứu cơ bản. Còn với chế tạo đòi hỏi nghiên cứu sâu, đầu tư cho nghiên cứu lớn, thử nghiệm tốn kém thì chưa có nhiều.
Trong khi đó, việc tiếp cận tài chính, vốn mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, rời rạc cùng quy định rườm rà về sở hữu trí tuệ và tài sản được tài trợ công khai.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho hay, hiện chúng ta còn thiếu các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trực tiếp cho doanh nghiệp nên các doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo đang loay hoay một mình. Tham khảo ở một số quốc gia khác, những công ty con của các tập đoàn lớn nhất hàng năm vẫn nhận được sự tài trợ cho R&D.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đại diện WB khuyến nghị Việt Nam nên có chính sách phù hợp với mức độ phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo; xem xét điều chỉnh một số chính sách hiện có để có thể đáp ứng hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế xử lý một số rào cản chính sách, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ, nhất là thúc đẩy thương mại hoá ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu từ khối trường đại học, viện khoa học…
Cùng với thể chế, môi trường kinh doanh, bố trí nguồn lực tài chính cho đổi mới sáng tạo cũng cần thiết và quan trọng bởi cần xác định, ứng dụng khoa học công nghệ chính là đầu tư cho phát triển.