Doanh nghiệp không thể đứng vững nếu thiếu đạo đức
Nếu thiếu yếu tố đạo đức, doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại trên thị trường ở bất kỳ thời điểm hay hình thái kinh tế xã hội nào.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định về vai trò của văn hóa, đạo đức trong sự phát triển doanh nghiệp.
Theo ông Lê Như Tiến, đạo đức, văn hóa doanh nghiệp luôn được xem là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị của doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. Vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một nhu cầu quan trọng và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập, doanh nhân phải là người tiên phong. Họ là vị nhạc trưởng quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Họ là người trực tiếp xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực, xây dựng quy trình, tổ chức, điều hành hoạt động, tạo uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp”, ông Lê Như Tiến nói.
Vẫn theo ông Lê Như Tiến, cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bắt nguồn từ văn hóa dân tộc. Nói cách khách, văn hóa doanh nghiệp không thể tách rời văn hóa dân tộc. Doanh nghiệp, doanh nhân bao giờ cũng là sản phẩm của văn hóa, đồng thời văn hóa là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó đứng vững. Bởi vậy, văn hóa doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì hệ văn hóa đặc thù của doanh nghiệp mình để phát huy năng lực và thúc đẩy, đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt mục tiêu chung.
“Thông qua hình ảnh có văn hóa cả doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và tín nhiệm của doanh nghiệp đó với thị trường. Do đó, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Nội hàm của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân theo ông Lê Như Tiến được bắt nguồn từ những giá trị cốt lõi sau: Lao động hết mình, tạo những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, cho doanh nghiệp và mỗi thành viên; Đoàn kết gắn bó vì lợi ích chung, tạo nên chất keo gắn kết giữa doanh nhân và người lao động; Biết tuân thủ pháp luật và các cam kết quốc tế; Cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước…
“Nhận diện đầu tiên để đánh giá doanh nghiệp có văn hóa phải là doanh nghiệp có trí tuệ, có sự sáng tạo chứ không phải là một doanh nghiệp chỉ bao gồm 5 C: Con – Cháu – Các – Cụ Cả, để rồi dẫn tới 5 Đ: Đố – Điều – Đi – Đâu – Được”.
Ông Lê Như Tiến thẳng thắn trước câu hỏi: “Nếu chúng ta vẫn duy trì hình thức cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp theo kiểu: Quan hệ- Tiền tệ- Hậu duệ- Đồ đệ rồi mới đến Trí tuệ thì rốt cục đơn vị đó sẽ đi tới đâu? Đó có phải là một kiểu xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam hay nó mang tính giai đoạn?”.
|