Doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thương với Singapore
Các doanh nghiệp thành phố Hà Nội đang tăng cường kết nối để đẩy mạnh hợp tác đầu tư và thương mại với các doanh nghiệp Singapore thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, nhằm trao đổi thông tin về tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài,…
Tăng cường kết nối
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, Singapore là một trong những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Hà Nội. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào thị trường này đạt 615 triệu USD (chiếm tỷ trọng 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vào Singapore); gỗ và nguyên liệu gỗ (chiếm tỷ trọng 3%); linh kiện – điện tử (chiếm tỷ trọng 2,5%); máy tính và linh kiện máy tính (chiếm tỷ trọng 2,5%).
Phó Chủ tịch thường trực VCCI nhận định, ngay cả trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn đón nhận nhiều dự án đầu tư cùng với các kế hoạch mở rộng và phát triển từ các doanh nghiệp Singapore. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Singapore luôn đánh giá cao và tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam và TP.Hà Nội..
Ông Kho Choon Keng – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Hoa Sinh (Singapore) cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Singapore “tăng tốc” đầu tư vào TP.Hà Nội là kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng sau dịch Covid-19 khi năm 2022 đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8%. Với đà phát triển này, Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chính vì vậy, nhiều công ty Singapore tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất, logistics, vận tải, giáo dục, du lịch, tài chính và nông nghiệp của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Ông Kho Choon Keng nhấn mạnh, thời gian tới doanh nghiệp Singapore sẽ mở rộng hợp tác vào các lĩnh vực mới, như là phát triển bền vững, năng lượng tái tạo và nền kinh tế kỹ thuật số…
Về các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, TP.Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư như thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Ngoài ra, TP công bố công khai, minh bạch các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.
Tham gia các sự kiện kết nối, đại diện các doanh nghiệp Singapore kiến nghị, thời gian tới, TP.Hà Nội tạo điều kiện cho doanh nghiệp Singapore trong quá trình kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP.Hà Nội tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư… tới doanh nghiệp quốc tế.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, nhiều doanh nghiệp Hà Nội mong muốn kết nối với doanh nghiệp Singapore trong các lĩnh vực như: Công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thân thiện môi trường, ít tiêu hao năng lượng; sản xuất, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối với các doanh nghiệp Singapore; Mở rộng xuất khẩu, tham gia hệ thống phân phối vào thị trường Singapore, tận dụng lợi thế của Hiệp định CPTPP, RCEP mà Việt Nam và Singapore đều là thành viên,…
Trong những năm qua, Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực thẩm sạch an toàn,…; xác định rõ thị trường, quốc gia trọng điểm thu hút đầu tư của Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ và EU.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Nội trong những năm gần đây ngày càng tăng. Lũy kế từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Thành phố đạt khoảng 61,4 tỷ USD. Singapore là quốc gia chiến lược đầu tư vào Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đứng thứ 2 trong các đối tác đầu tư vào Thành phố (sau Nhật Bản). Các lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư Singapore tập trung vào các lĩnh vực như: kinh donah bất động sản, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, khoa học, công nghệ, giáo dục…Một số dự án điển hình của nhà đầu tư Singapore tại Hà Nội như: Trung tâm Anh ngữ quốc tế Apollo; Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long; Dự án Lotte Mall (vốn Hàn Quốc đầu tư qua Singopre); Dự án Capital Tower 29 Liễu Giai và một số dự án dịch vụ, khách sạn trong Khu đô thị Tây Hồ Tây… Riêng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1,77 tỷ USD vốn FDI (tăng 15% so với năm 2021, xếp thứ 6 cả nước về thu hút FDI). Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư năm 2022 đạt trên 615,9 triệu USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào thành phố Hà Nội, trong đó có 41 dự án mới với số vốn đăng ký khoảng 63,1 triệu USD; 24 lượt tăng vốn với số vốn 101,3 triệu USD; 58 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn khoảng 451,4 triệu USD.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)