Doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu trở lại

Thị trường trái phiếu bất động sản có những tín hiệu tích cực khi hoạt động phát hành bắt đầu sôi động trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, áp lực đáo hạn vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 36.088 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng và 30 đợt phát hành riêng lẻ. Riêng trong tháng 4, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu trở lại
Lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 4 tháng đầu năm chiếm tới 51,2%.

Trái phiếu bất động sản vẫn dẫn đầu

Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 37.054 tỷ đồng, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng chú ý là lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 4 tháng đầu năm chiếm tới 51,2%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 22,5% của năm 2023.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính cũng chỉ ra từ giai đoạn 2015 – 2023, có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, với tổng giá trị phát hành 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm. Như vậy, các doanh nghiệp địa ốc phát hành gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu trung bình mỗi năm.

Cũng trong giai đoạn này, có 4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD. Đối với dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp địa ốc, Bộ Tài chính cho biết, tại thời điểm ngày 5/3/2024 là gần 351.000 tỷ đồng.

Bên cạnh doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng “rầm rộ” phát hành trái phiếu trở lại. Cụ thể, trong quý 1/2024, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tăng gấp 2,6 lần cả năm 2023.

Ngoài ra, lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Như ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings chia sẻ, trong quý 1/2024, giá trị giao dịch trung bình theo ngày đạt gần 4.000 tỷ đồng, cao gấp 22,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, điều này thể hiện sự chào đón của các nhà đầu tư. Trong đó, ngành bất động sản chiếm gần 29% tổng giá trị giao dịch của thị trường.

Nguy cơ vẫn còn

Song nguy cơ trong thị trường bất động sản vẫn còn khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Trên thực tế, tỷ lệ trái phiếu phát hành mới và được mua lại vẫn thấp so với trái phiếu đến hạn.

Doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu trở lại
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn năm 2024 và 2025 vẫn rất lớn. Ảnh:VA

Theo FiinRatings, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 và 2025 lần lượt là 254.900 tỷ đồng và 298.600 tỷ đồng, chủ yếu ở 2 nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn trả nợ vẫn cao, hơn 66% trong số này thuộc về ngành bất động sản.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp lớn gần đây phải tiếp tục đàm phán gia hạn trái phiếu. Theo Công ty Chứng khoán MSB, áp lực đáo hạn sẽ rơi vào lần lượt quý 2,3/2024.

Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho biết, trong ngắn và trung hạn, các nhà phát hành trái phiếu vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn tiền để trả nợ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những vướng mắc về pháp lý khiến dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp không thể bán hàng, thu tiền về.

Theo các chuyên gia, việc gia hạn trái phiếu sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Nếu thành công doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay xở về mặt tài chính, còn ngược lại các công ty sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Trong năm 2024, áp lực trả nợ đối với các đơn vị phát hành là doanh nghiệp bất động sản là khá lớn, đặc biệt đối với các trái phiếu chậm trả gốc, lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 nhưng được cơ cấu tối đa thêm 2 năm theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc sản phẩm khác tiếp tục được nối dài sang năm 2024, được nhận định đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn.

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, các chuyên gia cho biết, doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ. Các giải pháp có thể là bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền, tích cực hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản nhanh.

Bên cạnh nỗ lực tự thân, nhiều doanh nghiệp cũng mong chờ việc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tháo gỡ nút thắt pháp lý, đặc biệt là đưa 3 bộ luật liên quan tới bất động sản có hiệu lực sớm. Điều này được cho sẽ giúp giảm bớt áp lực dòng tiền, đồng thời hướng dòng vốn bất động sản vào các phân khúc đang có nhu cầu lớn như nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, qua đó tạo nguồn thu cho doanh nghiệp để trả nợ hoặc cân đối tài chính.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button