Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng “bình thường mới”

COVID-19 khiến ngành dệt may tăng trưởng âm vào năm 2020, sau 25 năm tăng trưởng liên tục. Để thích ứng với biến động mới, chuyển đổi số là phương án bắt buộc các doanh nghiệp dệt may phải hướng tới.

Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng

Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10

Để làm rõ hơn câu chuyện thích ứng của các doanh nghiệp như May 10, đại diện cho ngành dệt may, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí DĐDN.

– Thưa ông, trong công tác chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt đối với ngành dệt may trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về năng lực và thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp?

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 16% trong tỷ trọng xuất khẩu của cả nước. Có thể nói, dệt may đã trở thành một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến ngành dệt may tăng trưởng âm vào năm 2020, sau 25 năm tăng trưởng liên tục.

COVID-19 gây ra suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng ở một góc độ khác, nó cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy việc doanh nghiệp nhìn lại để thấu hiểu sâu sắc hơn doanh nghiệp của mình, xem xét và đánh giá lại chuỗi cung ứng để tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, liên kết các ngành trong cùng chuỗi giá trị để tạo ra những cơ hội mới.

Khi đại dịch lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến.

Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, phê duyệt nội bộ, ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế,….

Có một sự khác biệt rõ ràng về thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số.

– Thưa ông, bên cạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, việc phát triển doanh nghiệp trong tình hình mới cần được quan tâm ra sao, thưa ông?

Khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện cho đến nay, nền kinh tế cũng như các hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới đã đang rơi vào một thời điểm khó khăn kéo dài, buộc ngành công nghệ cũng phải tìm cách thay đổi để sinh tồn. COVID-19 đã tác động, làm thay đổi 3 vấn đề chính đối với doanh nghiệp:

Thứ nhất, trong đại dịch COVID-19, việc ra quyết định của lãnh đạo chịu áp lực về thời gian phải nhanh và ngay tức thì, tạo động lực áp dụng cho việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ nhanh hơn.

Thứ hai, COVID-19 là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh môi trường, phương thức làm việc. Trong thời kỳ giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải có phương thức làm việc mới thích nghi. Đối với doanh nghiệp, quản lý động lực làm việc rất quan trọng. Trong giai đoạn này, người lao động làm việc vất vả hơn so với bình thường.

Thứ ba, chúng ta phải có những thích ứng trong ngắn hạn nhưng không ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn. Bởi nếu thay đổi quá nhiều đến khi điều kiện bình thường quay lại, chúng ta phải mất một lần nữa chuyển đổi để thích nghi.

Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 16% trong tỷ trọng xuất khẩu của cả nước.

COVID-19 đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên nhìn từ góc độ tích cực, chúng ta thay đổi cái nhìn về cách làm việc truyền thống. Dù làm việc tại văn phòng hay làm online tại nhà thì chỉ cần có một nền tảng, quy trình quản lý phù hợp, doanh nghiệp vẫn có thể phát triển bền vững, thậm chí còn tiến xa hơn nữa so với phương pháp quản lý trước đây.

– Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may nói chung đang gặp phải những khó khăn nào? Ông có góp ý như thế nào về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn này?

Cuối năm 2021, chúng tôi có nhận định rằng, bước vào năm 2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên. Tuy nhiên, khủng hoảng tại Ukraine khiến cho mọi dự báo đều bị thay đổi. Như vậy, sau hai năm hoành hành của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu lại phải đối mặt với những thách thức và khó khăn khó lường, giá dầu tăng cao đẩy lạm phát tăng phi mã, đồng thời làm dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi rất mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Lạm phát sẽ chịu tác động của tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá tiêu dùng trong nước tăng lên cao.

Để giải được bài toán trước mắt, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Long-Hồng Minh

(Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button