Doanh nghiệp dệt may “biết mình biết ta” để chủ động đón bắt cơ hội từ luồng chuyển dịch sản xuất
Trở thành một “điểm đến” khi chuỗi sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc giúp ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội thập kỷ nhưng cũng là nguy cơ thập kỷ.
Ngay sau kỳ Tết Nguyên đán 2024, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH Dony đã thực hiện chuyến khảo sát hiện trạng sản xuất của ngành dệt may Bangladesh và Ấn Độ với nguyên do “biết mình biết ta”.
Theo giám đốc Dony, từ năm 2018-2019 thông tin chuỗi sản xuất dệt may dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã xuất hiện. Qua năm 2020-2021 “bất động” do dịch Covid-19, đến năm 2022, nhiều nhà sản xuất đã tiến hành tìm địa điểm mới để đặt nơi sản xuất, bản thân Dony cũng được tiếp nhiều đối tác. “Họ thể hiện rõ quyết tâm dịch chuyển sớm chuỗi sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc”, ông Phạm Quang Anh nói.
Nguyên nhân khiến chuỗi sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc ngoài việc Mỹ áp thuế đặc biệt lên hàng hóa Trung Quốc khiến giá thành sản xuất tăng cao, còn do chính sách thuế của Chính phủ Trung Quốc đã gắt gao hơn rất nhiều, chi phí lao động tăng cao khiến biên lợi nhuận giảm đáng kể. “Nếu trong tương lai 5-7 năm tới, chính sách thuế của Trung Quốc gắt hơn nữa, dịch chuyển sẽ không kịp nên nhà sản xuất muốn chuyển ngay từ bây giờ”, ông Phạm Quang Anh nói.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc không có nghĩa Việt Nam sẽ đón được luồng đầu tư đó mà chỉ là một trong số các lựa chọn, quốc gia nào có điều kiện tốt và thuận lợi thì có nhiều khả năng được lựa chọn hơn. “Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội thập kỷ cũng là nguy cơ thập kỷ”, giám đốc Dony cho hay.
Ông phân tích, nguy cơ thập kỷ ở chỗ, nếu nhà sản xuất không chọn Việt Nam mà chọn một quốc gia khác chúng ta sẽ phải chờ đợi cả chục năm, bởi lẽ chuyển dịch một chuỗi sản xuất không dễ dàng và mất nhiều chi phí, nhà đầu tư khi đã chọn được địa điểm phù hợp sẽ ở lại cả chục năm. Những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt, doanh nghiệp sản xuất tốt, uy tín cao, giá thành cạnh tranh sẽ giữ chân được nhà đầu tư, nhà mua hàng. “Chỉ cần ký được đơn hàng sản xuất trong 1-2 năm thôi thì họ sẽ ở lại với chúng ta cả chục năm”, ông vị giám đốc Dony nhìn nhận.
Việc thu hút chuỗi sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc là việc các chuyên gia lên tiếng nhắc nhở từ lâu, Chính phủ cũng nỗ lực chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành cải cách môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
“Chúng ta cần có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý trong bối cảnh mới. Đón làn sóng này sẽ tạo cơ hội tốt cho chúng ta trong việc thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh không nên áp dụng chính sách thu hút bằng mọi giá”, GS. TSKH. Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới từng nhận định.
Theo đó, tuyệt đối không ưu đãi bằng mọi thứ để mời gọi. Thu hút có chọn lọc, chỉ áp dụng ưu đãi với những tiêu chí rõ ràng như doanh nghiệp công nghệ cao, có cam kết chuyển giao công nghệ.
Bản thân doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đang nỗ lực nâng cao nội lực, chứng minh bản thân để trở thành lựa chọn tốt. Ngoài chất lượng sản phẩm, giá đơn hàng, Dony cũng như nhiều doanh nghiệp khác áp dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp, chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt thực hiện tốt khâu dịch vụ sau bán hàng để tạo uy tín với đối tác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may trong nước đang nỗ lực điều chỉnh cách thức trả lương công nhân, cách thức giao việc, huy động ca kíp để phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu về đầu tư bền vững. Tập trung làm hàng khó, cao cấp, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Nâng cao năng lực nội sinh để đón luồng chuyển dịch sản xuất theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam là cơ hội tốt cho ngành dệt may Việt Nam tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị dệt may thế giới. Để củng cố và bước lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị, ngành dệt may Việt Nam cần sớm khắc phục nút thắt thiếu nguyên phụ liệu.
Do vậy, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để các địa phương quy hoạch và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường.
Song song với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng quỹ môi trường để các khu công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn mực về môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường và tuân thủ được điều khoản trong các hiệp định thương mại. Làm được những điều này, ngành dệt may sẽ giảm được lượng nhập khẩu bên ngoài, chủ động được nguyên phụ liệu.
Nguồn: Báo Công Thương