Doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt ngành logistics “vượt bão”
Trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, trách nhiệm, vai trò của các doanh nghiệp “đầu tàu” lại càng quan trọng hơn.
Thông điệp mạnh mẽ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp “đầu đàn” là bước đi có tính chất quyết định để hướng đến mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh, cho sự phát triển nền kinh tế tự lực, tự cường.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khẳng định, cần cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dẫn dắt, doanh nghiệp “đầu đàn” trong ngành logistics, lan toả, cộng hưởng liên kết góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho ngành như định hướng của Chính phủ.
– Ông đánh giá như thế nào về “bức tranh” tăng trưởng của doanh nghiệp ngành logistics năm 2023?
Năm 2023 được nhận định sẽ có nhiều khó khăn đặc biệt trong chuỗi cung ứng. Cụ thể, kinh tế thế giới suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraina, lạm phát, giá dầu tăng… tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics.
Trong khi đó, cước vận tải container giảm, thống kê của chúng tôi tới hiện tại giá cước vận tải biển đã giảm 80% so với đỉnh điểm tháng 9/2021, nhưng vẫn cao hơn 49% so với mức trung bình năm 2019. Tuy nhiên, các yếu tố bất ổn đe dọa tính bền vững của chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu như dịch bệnh, thiên tai, xung đột,…
Cùng với đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại, xanh hoá logistics… dần trở thành yêu cầu tất yếu, tạo ra tiêu chuẩn cao hơn đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics, đơn cử như thuế carbon của châu Âu. Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị những kịch bản ứng phó.
Tuy nhiên cũng có nhiều dấu hiệu khả quan như năm 2022 chúng ta đạt được kim ngạch xuất nhập khẩu trên 700 tỷ USD, đây là tiền đề. Cùng với lưu thông hàng hoá nội địa thị trường rộng lớn và lợi thế từ các FTA sẽ tạo đà cho dòng chảy thương mại tăng trưởng kéo theo tăng trưởng ngành logistics. Chúng tôi cũng có một chút lạc quan khi có sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc.
– Trong bối cảnh như ông vừa nói, vai trò của các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp “đầu tàu” là như thế nào để dẫn dắt ngành logistics “vượt sóng”, thưa ông?
Doanh nghiệp tiên phong trong bối cảnh hiện nay vai trò quan trọng với mỗi ngành, mỗi quốc gia cho nền kinh tế tự cường, tránh câu chuyện doanh nghiệp ngoại dẫn dắt. Trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, trách nhiệm, vai trò của các doanh nghiệp “đầu tàu” lại càng quan trọng hơn. Cũng như các ngành kinh tế khác, chúng ta cần có những doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực logistics. Bởi hiện chúng ta đã có những doanh nghiệp đủ quy mô, tầm hoạt động đủ lớn nhưng số lượng còn ít và tính quốc tế hoá chưa cao, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số.
Như vậy, bước đầu các doanh nghiệp lớn này đã tạo xung lực cho sự phát triển của ngành nhưng cần mở rộng thêm về mặt thị trường và chúng ta cần thêm nhiều doanh nghiệp như vậy. Đó là những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có thị phần và quy mô đủ lớn đi đầu về chuyển đổi số, có hệ sinh thái đầy đủ, có khả năng cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nước và xuất nhập khẩu.
Cần có những doanh nghiệp tiên phong trong từng mảng trong các nhóm ngành logistics để có cơ chế thúc đẩy, khuyến khích tạo liên kết, kéo các “đầu tàu” này lại hợp tác cùng phát triển.
Từ những doanh nghiệp tiên phong chúng ta sẽ lan toả, cộng hưởng liên kết cùng phát triển để có thêm nhiều doanh nghiệp logistics mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho ngành logistics như định hướng của Chính phủ.
Xu hướng trên thế giới cũng cho thấy các doanh nghiệp logistics tập hợp lại để có quy mô và năng lực cạnh tranh vượt trội, tận dụng lợi thế về tài sản, quản trị… chúng ta cần những cánh chim đầu đàn để làm những điều này.
– Vậy về phía các cơ quan quan ban ngành, cần giải pháp nào để xây dựng được hành lang hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khát vọng phát triển và trở thành “cánh chim” đầu đàn, tiên phong dẫn dắt, thưa ông?
Trước hết doanh nghiệp cần chính sách phát triển hoàn thiện với các thủ tục pháp lý thông thoáng. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về chính sách, đặc biệt là các chính sách quy hoạch tổng thể phát triển ngành dịch vụ logistics.
Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng cần hỗ trợ các chính sách liên quan tín dụng để doanh nghiệp có thể có nguồn vốn mạnh dạn đầu tư. Bởi chúng ta đã biết, vận tải biển, hàng không hay các dự án liên quan xây dựng trung tâm logistics đều đòi hỏi vốn đầu tư lớn với thời gian lâu dài.
Bên cạnh đó, tìm ra những doanh nghiệp tiên phong trong từng mảng, lĩnh vực nhỏ trong các nhóm ngành logistics để có cơ chế thúc đẩy, khuyến khích tạo liên kết, kéo các “đầu tàu” này lại hợp tác cùng phát triển, tạo cơ chế để nhóm các doanh nghiệp này phát triển, hình thành các doanh nghiệp tầm cỡ. Để làm được điều này, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, thậm chí những ưu đãi đặc thù. Chúng ta cũng đã từng có cơ chế đặc thù cho phát triển Trung tâm logistics ĐBSCL, đây là cơ chế tốt cần khuyến khích đặc biệt với những dự án có tính liên kết của nhiều doanh nghiệp trong ngành tạo giá trị lan toả và dẫn dắt các doanh nghiệp khác.
Phải khẳng định chúng ta rất cần xây dựng những doanh nghiệp có thể dẫn dắt thị trường logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần Việt, chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp dẫn dắt tiếp tục mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics.
– Xin cảm ơn ông!