Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng
Những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương đã phát huy hiệu quả, nền kinh tế ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Theo đó, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã có kết quả khả quan. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8, cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn là hơn 135.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký là gần 80.000 lao động, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,6% về vốn đăng ký và tăng 1,2% về số lao động so với tháng 7 năm 2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, tăng 3,9% về số vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước.
Ngoài ra, cả nước còn có gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 969.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 668.800 người. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng qua là 45.700, nâng tổng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 149.400. Bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, cả nước có 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau 8 tháng. Bình quân, mỗi tháng có 15.600 doanh nghiệp đóng cửa.
Cùng với xu hướng tích cực trên, một tín hiệu khả quan khác được ghi nhận khi sản xuất công nghiệp – một trong những trụ đỡ của nền kinh tế có sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%… so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 8 tháng qua, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như đường kính tăng 34,9%; ti vi tăng 10%; sơn hóa học tăng 9,5%; thuốc lá điếu và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%…
Bên cạnh đó, tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515.400 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,043 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Những kết quả trên, theo nhận định của các chuyên gia từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực của Chính phủ như hạ lãi suất cho vay, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí… thì một số thành phố đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Các doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động tăng góp phần tăng vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.