Doanh nghiệp cần có kịch bản kinh doanh cả tốt lẫn xấu, vì sao?
Theo chuyên gia, nhiều doanh nghiệp thường chỉ đưa ra một kết quả kinh doanh duy nhất. Trong khi đó nhà đầu tư mong muốn có cả kịch bản xấu lẫn tốt để họ đánh giá và kỳ vọng...
Nhận định về kết quả kinh doanh quý I/2025 của một số doanh nghiệp, ngành đã công bố sớm trên thị trường, trước hết phải kể đến nhóm ngành chứng khoán, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng đã ghi nhận sự phân hóa.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS)
KRX rất tốt trong… 1-2 năm tới
Theo đó, những công ty có thị phần lớn nhất như SSI, TCBS… thì cơ bản vẫn đều đặn, tăng trưởng 8 – 9%, mảng kinh doanh này hỗ trợ mảng khác. Tuy nhiên, lợi nhuận của những CTCK liên quan đến ngân hàng tăng mạnh, chẳng hạn như VPBankS, MBS, HDS… “Cơ bản, những công ty cho vay được margin, có huy động được hệ thống ngân hàng để bán trái phiếu thì kết quả kinh doanh khá tốt”, ông Đức lý giải.
Có hai nhóm đạt kết quả khá tiêu cực. Thứ nhất, nhiều CTCK quy mô nhỏ thu lỗ. Nguyên nhân là bởi các CTCK nhỏ dựa nhiều vào phí môi giới và cho vay với NĐT cá nhân. Nhưng trong quý I vừa qua, phí môi giới mặt bằng chung đã giảm do cạnh tranh khốc liệt, trong khi cho vay NĐT cá nhân không phục hồi quá nhiều. Do đó, chuyên gia cho rằng những CTCK nhỏ, không có ngân hàng đứng sau sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Thứ hai, những CTCK phụ thuộc nhiều vào tự doanh cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do thị trường trong quý I vừa qua vẫn tăng, nhưng những cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao như FPT lại giảm. Những công ty có tỷ trọng FPT cao, chẳng hạn như HCM, SHS… thì cũng bị ảnh hưởng một phần.
Cho tháng 5, theo ông Nguyễn Việt Đức, thị trường hy vọng nhiều vào KRX, giúp doanh nghiệp chứng khoán tích cực hơn. Tuy nhiên, bản thân ông đánh giá rằng tác động của KRX cũng sẽ ở mức vừa phải, bởi vĩ mô vẫn là yếu tố quan trọng. Nếu ông Trump cứ tiếp tục đưa ra những chính sách thương mại mạnh tay, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp thì thanh khoản cũng khó cải thiện.
Câu chuyện KRX rất tốt, nhưng cần nhìn nhận trong khoảng 1- 2 năm tới. Còn trong năm nay, KRX chưa thể tác động nhiều đến thanh khoản của thị trường, ông nhận định.
Nhà đầu tư cần “vin” vào kỳ vọng
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp rất tự tin đưa ra các kế hoạch kinh doanh (KHKD) với tăng trưởng tốt trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng: Thứ nhất, việc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh và giữ cho đến hiện nay là hợp lý, bởi chưa biết thuế quan sẽ tác động như thế nào và vĩ mô quý I vẫn đang tốt. Có thể nói, bức tranh vĩ mô cho đến quý I vẫn tốt. Do đó, không có lý do gì để doanh nghiệp hạ kế hoạch kinh doanh ngay từ thời điểm này.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đưa ra tuyên bố không giảm kết quả kinh doanh vào lúc này, không đồng nghĩa sẽ không điều chỉnh trong 1- 2 quý tới. Nếu thị trường đi xuống, điều chỉnh, vĩ mô bất ổn hơn từ thuế quan ông Trump thì tới quý III, sẽ phản ánh vào doanh nghiệp. Thường quý III là mùa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Thứ hai, đa số các ông chủ doanh nghiệp chỉ đưa ra một kịch bản kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần đưa ra kịch bản tốt, kịch bản xấu. Nhà đầu tư (NĐT) cũng rất kỳ vọng vào việc doanh nghiệp đưa ra kịch bản xấu, lợi nhuận là bao nhiêu. Trong bối cảnh thị trường đi xuống, NĐT sẽ vin vào những kỳ vọng này của doanh nghiệp để mua vào.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp công bố KQKD tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm do đã phản ánh từ trước. Ông Nguyễn Việt Đức dẫn ví dụ mã GEE trong năm vừa qua tăng hơn 200%, lợi nhuận tăng 319%. Như vậy, rõ ràng kết quả này đã được phản ánh vào giá. “Theo thống kê gần đây của FiinPro, câu chuyện thông tin đi trước thị trường tại Việt Nam rất chính xác. Thường những doanh nghiệp nào công bố kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu sẽ được phản ánh trước khoảng hai tuần, hoặc thậm chí đến 3 tháng.
Do đó, việc dựa vào kết quả kinh doanh để mua bán cổ phiếu trong ngắn hạn là không hiệu quả. Chiến lược này chỉ tốt khi thị trường tích cực, và một số mã cổ phiếu đưa ra câu chuyện tăng trưởng làm cả thị trường ngạc nhiên. Tuy nhiên, hiện tại, khi thị trường bất ổn, NĐT sẽ không đánh giá quá cao tăng trưởng mà thường phụ thuộc vào giá trong quá khứ”, ông nói.

Theo chuyên gia, nhà đầu tư (NĐT) cũng rất kỳ vọng vào việc doanh nghiệp đưa ra kịch bản xấu, lợi nhuận là bao nhiêu. (Ảnh minh họa)
Nhìn nhận ra sao về nhóm dẫn dắt thị trường?
Đối với một số mã cổ phiếu đang có tính dẫn dắt thị trường và ảnh hướng lớn, như VIC hay VHM, ông Nguyễn Việt Đức phân tích:
Ngày 17/4, thị trường phản ứng rất mạnh khi cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM và VRE) đã dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay lại đi xuống. Khi những mã này giảm, ban đầu thị trường vẫn tích cực nhờ động lực từ nhóm ngân hàng. Nhưng khi VIC giảm sàn, thị trường có đợt điều chỉnh rất mạnh.
“Theo tôi, NĐT đang bán cổ phiếu VIC do hai lý do: NĐT nước ngoài đã bán ra rất mạnh (4.574 tỷ đồng) và trước đó VIC có đợt phát hành thành công trái phiếu, khiến NĐT hơi lo ngại. Tuy nhiên, tôi đánh giá rằng VIC và VHM đã công bố kỳ vọng kết quả kinh doanh rất mạnh, giúp cho bệ đỡ về lợi nhuận VHM và VIC sẽ giữ dòng tiền đầu tư vào những cổ phiếu này.
Còn về câu chuyện thua lỗ, khi là NĐT, việc có lãi là rất quan trọng. Theo tôi, muốn mua lãi trước hết cần phải mua đúng. Tiếp theo, cần chốt lời sớm, khoảng 50% danh mục khi lãi từ 7 – 10%. Ở Việt Nam, thường chỉ có 20% thời gian chứng khoán tăng mạnh, còn 80% còn lại là đi ngang. Vì vậy, NĐT cần tập trung chốt lời một nửa khi chọn được đúng cổ phiếu”, ông Đức lý giải.
Ông cũng cho rằng do VIC đã từng liên tiếp chạm mốc 74.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trong năm nay, chúng ta kỳ vọng mã VPL (Vinpearl) niêm yết. MA50 của VIC rất sâu, chưa đến 52.000 đồng/cp. “Khi chưa thủng đường MA50, thì tất cả những đợt kiểm nghiệm lại đường MA50 đều là cơ hội mua vào. Ngay cả cổ phiếu VIC, khi sự kiện thuế quan xảy ra, phần lớn thị trường giảm 20 – 30% thì VIC chỉ giảm 10 – 15% và sau đó lại quay đầu tăng. Do vậy, nhịp giảm lần này của VIC chỉ là nhịp giảm cân bằng lại việc tăng mạnh trong thời gian trước đó. NĐT có thể chờ điểm mua trong khoảng 52.000 – 60.000 đồng/cp đối với cổ phiếu VIC”, theo chuyên gia VPBankS.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, từ tháng 5, VN30 phải giảm trọng số cổ phiếu ngân hàng từ 60% về 40%. Giới phân tích nhận định nhiều cổ phần sẽ phải bán ra. Ông Nguyễn Việt Đức nêu cụ thể: Ngày cơ cấu sẽ diễn ra trong tuần này (25/4) để tháng 5 chuyển danh mục. Với các ETF, tình trạng này đã xảy ra nhiều và không phải bán ra tại thời điểm chuyển danh mục. Thực tế, ông cho rằng trong thời điểm tái cơ cấu thì lại chẳng có chuyện gì xảy ra.
Câu chuyện giảm tỷ trọng này tất nhiên có ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng, nhưng là chuyện đã ảnh hưởng rồi. Thực tế cho thấy phần lớn ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực trong quý I, nhưng giá cổ phiếu không vượt trội so với thị trường. Ngày 25/4, phần lớn NĐT sẽ cần cẩn trọng một chút, nhưng với những người cầm cổ phiếu ngân hàng, không cần quá lo sợ mà nên chú ý đến câu chuyện lớn hơn là diễn biến thị trường. Cổ phiếu ngân hàng sẽ không có diễn biến xấu hơn so với diễn biến chung của thị trường, ông khẳng định.
Mặt khác, nhìn nhận khác với nỗi lo của nhiều NĐT trước câu chuyện MBB – mã nổi bật trong nhóm ngân hàng liên quan đến tờ trình ĐHĐCĐ (dự kiến diễn ra 26/4) về việc mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ, theo ông Nguyễn Việt Đức, trong một thị trường đi lên, thị trường sẽ bước qua mọi thông tin xấu để đi lên. Ngược lại, trong một thị trường đi xuống, thông tin tốt đưa ra chỉ như “ném đá xuống ao bèo”.
“Tôi đánh giá cao động thái ra mua lại cổ phiếu của MBB, là biện pháp hỗ trợ khi giá cổ phiếu đi xuống. Tuy nhiên, hiện nay, điều tôi kỳ vọng nhất là doanh nghiệp giữ được tiền mặt của mình. Trong năm nay, với biến động chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử, phần lớn doanh nghiệp sẽ phải tăng cường phòng thủ: giảm bớt nợ vay, duy trì tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên. Những động thái này khiến NĐT rất quan tâm và sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp”, ông Đức phân tích.
Nguồn: Diendandoanhnghiep