Điều gì đang xảy ra với kinh tế châu Âu?
Kinh tế châu Âu suy giảm, khiến nhiều doanh nghiệp lớn ở khu vực này đã bắt đầu cảm nhận được tình hình kinh tế khó khăn trong tương lai gần.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn tại châu Âu đang bước vào thời kỳ cắt giảm lao động khi nền kinh tế trì trệ. Các ngành năng lượng, dược, mỹ phẩm, thương mại dịch vụ, đến thể thao, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, ô tô đều gặp khó khăn.
Gã khổng lồ dầu khí Shell (Hà Lan) dự kiến giảm 20% lao động, BP (Anh) giảm 1/10 số lượng việc làm. Nhà phát triển và điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 30.000 việc làm, tương đương khoảng 9% nhân viên.
Infineon, công ty sản xuất chip của Đức sẽ cắt giảm 1.400 việc làm trên toàn thế giới và chuyển thêm 1.400 vị trí đến các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn. Siemens Energy’s có kế hoạch cắt giảm 4.100 việc làm, tương đương khoảng 15% lực lượng lao động.
Tập đoàn lâm nghiệp Phần Lan UPM sẽ đóng cửa hai nhà máy giấy ở Đức; trong khi đó đại tập đoàn BAYER trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tập trung cắt giảm nhân sự cấp cao. Indivior và Novartis, những công ty dược hàng đầu châu Âu sẽ giảm bớt hàng nghìn lao động.
Manchester United- Câu lạc bộ nổi tiếng ở giải bóng đá Ngoại hạng Anh – đang đề xuất cắt giảm khoảng 250 việc làm như một phần của chương trình sa thải trên diện rộng.
Tại Volkswagen, tình hình còn căng thẳng hơn khi phải đối diện với việc phải đóng cửa nhà máy tại Đức, các tổ chức đại diện quyền lợi công nhân đang đấu tranh quyết liệt để đảo ngược tình hình mong giữ lại việc làm của họ.
Các vấn đề tiềm ẩn tại Volkswagen xuất hiện vào thời điểm khó khăn đối với cả nền kinh tế Đức nói chung và ngành công nghiệp ô tô của nước này nói riêng, khi một loạt các thách thức đè nặng lên ngành này.
Viện nghiên cứu chính sách kinh tế IFO có trụ sở chính ở München cho biết rằng môi trường kinh doanh trong ngành công nghiệp ô tô Đức đã giảm trở lại vào tháng 8, xuống mức âm 24,7 điểm so với mức -18,5 điểm của tháng trước. IFO cho biết kỳ vọng kinh doanh trong 6 tháng tới là “cực kỳ bi quan”.
Khu vực đồng euro đã bước vào suy thoái kỹ thuật vào nửa cuối năm 2023, khi GDP giảm trong cả quý 3 và quý 4 của năm. Nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng trở lại 0,3% trong quý 2 năm 2024.
Riêng kinh tế Đức đã giảm 0,1%; Latvia, Thụy Điển và Hungary là ba quốc gia khác ghi nhận mức suy giảm. Đức – nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu – đang khủng hoảng, không kỳ vọng sẽ cải thiện nhiều trong quý 3/2024.
Các nhà kinh tế tại ING dự kiến lạm phát cơ bản của khu vực đồng euro sẽ vẫn ở mức trên 2,5% trong phần còn lại của năm trong bối cảnh giá hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt.
Những triển vọng dài hạn với “lục địa già” cũng không mấy khả quan. Tỷ lệ chiến thắng bầu cử Mỹ của ông Trump ngày càng tăng đã gây ra rủi ro đáng kể với dự báo tăng trưởng tại khu vực đồng euro. Đó là sự bất ổn về chính sách thương mại, áp lực chi tiêu quốc phòng và an ninh gia tăng, cùng với các tác động lan tỏa từ các chính sách trong nước của Nhà trắng, ví dụ như thuế, di trú có thể tác động đến châu Âu.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp