Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3: Nội lực có tính chất quyết định, ngoại lực quan trọng ở đột phá

Một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người hồi phục hay phát triển, thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài và có tính chất quyết định, còn ngoại lực là quan trọng ở đột phá. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định như vậy tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3.

Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 6/12. Đây là diễn đàn lớn nhất về công nghiệp 4.0 được tổ chức thường niên tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn đại biểu trong nước và quốc tế.

Phiên toàn thể sẽ tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; công nghiệp 4.0: Xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; đổi mới sáng tạo – chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19; công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khẩn trương tìm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh  – Ủy viên bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đến các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu. Lần đầu tiên tăng trưởng quý III năm 2021 giảm sâu (-6,17%), đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%.

Quá trình phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn, điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3: Nội lực có tính chất quyết định, ngoại lực quan trọng ở đột phá
Chính phủ đang tập trung hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Dự báo dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường. Nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; chống dịch thành công mới phát triển kinh tế được và phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.

Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch bệnh. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo đủ vaccine, thuốc điều trị, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt doanh nghiệp và tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Vì vậy, một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Đặc biệt, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điêu kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng chỉ ra 4 điểm quan trọng: y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp, và hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.

“Tôi cũng khẳng định, hồi phục hay phát triển, thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài và có tính chất quyết định. Còn ngoại lực là quan trọng ở đột phá. Nội lực ở đây dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên, văn hoá và truyền thống lịch sử. Nguồn lực bên ngoài bao gồm: công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” -Thủ tướng nhấn mạnh.

Thiên Hoa

Bài Viết Liên Quan

Back to top button