Điểm sáng hỗ trợ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Với sự phát triển của kinh tế số thì việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ không quá phức tạp, thậm chí việc điều chỉnh có thể áp dụng trong khoảng thời gian ngắn.
Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) là một sắc thuế quan trọng, nhưng phải đảm bảo thuế này đánh vào những người có thu nhập cao trong xã hội và đảm bảo tính công bằng.
Trong khoảng thời gian tương đối lâu dài, chúng ta đã có điều chỉnh thuế TNCN, nhưng nhân tố điều chỉnh chủ yếu dựa vào lạm phát khi vượt mốc 20%, điều này chưa phản ánh đúng mức thuế mà chúng ta cần đánh. Mức điều chỉnh chỉ theo lạm phát là chưa thực sự hợp lý, khi cùng với lạm phát giá cả tăng cao, mặt bằng chung mức sống của người dân đã được nâng lên, do đó mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng cao hơn.
Đặc biệt, Luật Thuế TNCN của Việt Nam điều chỉnh trong thời gian vừa qua cao hơn mức điều chỉnh lương cơ bản vùng. Vấn đề này cần được xem xét để từ đó có điều chỉnh hợp lý.
Bên cạnh yếu tố lạm phát để làm căn cứ điều chỉnh thuế suất và mức giảm trừ gia cảnh, đã đến lúc phải đưa các yếu tố khác vào như mặt bằng thu nhập, mức sống để đáp ứng nhu cầu về nâng cao đời sống cho người dân. Chúng ta có thể giảm trừ mức chi phí cần thiết và nếu vẫn áp dụng quy định cũ thì có thể nâng mức giảm trừ lên 18 -20 triệu đồng một người và người phụ thuộc cũng có thể nâng theo tỷ lệ tương xứng.
Cùng với đó, chúng tôi còn muốn nói đến thu nhập vãng lai, khi 2 triệu đồng cũng bị tính trừ 10% thì không còn phù hợp, vì thế phải nâng thu nhập vãng lai lên ở mức phù hợp hơn. Đơn cử như tại Singapore, có mức thuế suất TNCN tương đối cao nhưng hiện nay họ đã giảm xuống còn 20%. Mức thuế vãng lai phải chịu thuế cũng được nâng lên.
Trên cơ sở thông lệ quốc tế trong thời gian gần đây, các quốc gia đều giảm cấp bậc thuế và giãn cách các mức thuế nhằm có sự phân biệt giữa các bậc. Điều thứ hai là họ cũng giảm các mức thuế suất, trong khi thuế suất của Việt Nam rất cao (cao nhất là 35%). Vậy chúng ta nên xem xét giảm thuế trong điều kiện cả thế giới đều giảm từ thuế thu nhập doanh nghiệp đến các loại thuế khác.
Cụ thể, chúng ta cũng giảm cấp bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 3-4 bậc và giữa các bậc có độ giãn phù hợp với thực tiễn. Trên cộng đồng quốc tế, các nước đều giảm thiểu các mức thuế với độ giãn cách đủ lớn, để từ đó phân biệt được các mức thuế khác nhau.
Khi tại các thành phố lớn, nhiều người vẫn phải đi thuê nhà, nuôi con ăn học trong điều kiện đắt đỏ, việc này ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã tính toán để giảm trừ, phần còn lại mới nộp thuế. Mức này cũng tùy theo các quốc gia quy định, cơ quan thuế sẽ xác định những khoản chi nào được giảm trừ và ở mức nào thì hợp lý.
Theo tôi đánh giá, một điểm rất sáng có thể hỗ trợ sửa đổi Luật Thuế TNCN đó là, trước đây chúng ta dựa trên chi tiêu bằng tiền mặt, nhưng đến nay đã có thanh toán qua Smart Banking, QR code,… hoàn toàn có thể tính toán chi phí vào việc giảm trừ. Với sự phát triển của kinh tế số thì quản lý sẽ không quá khó khăn, thậm chí việc điều chỉnh có thể áp dụng trong khoảng thời gian ngắn.
Chẳng hạn, nếu lấy mốc lạm phát 20% mới sửa Luật thuế thì quá chậm trễ. Với mức lạm phát như hiện nay của Việt Nam, một năm chỉ khoảng 3- 4%, nghĩa là phải 5-7 năm chúng ta mới điều chỉnh một lần. Điều này càng không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đã có thể số hóa tất cả các khoản thu nhập và hoàn toàn kiểm soát được về mặt số liệu. Chúng tôi cho rằng điều chỉnh thuế TNCN theo năm hoặc hai năm là hợp lý nhất.
Trong điều kiện nền kinh tế đã có bước chuyển biến lớn về số hóa, có kho dữ liệu lớn thu nhập của các cá nhân, thì việc giảm thuế rất đơn giản và việc thay đổi chính sách không quá phức tạp. Nếu chúng ta quyết tâm, thì việc thay đổi chính sách thuế sẽ không quá khó mà sớm giải quyết được các bất cập cho người dân.