Đi tìm giải pháp hạ lãi vay cho doanh nghiệp
Định hướng và quản lý thanh toán không tiền mặt hiệu quả, áp thuế với kinh doanh chênh lệch lãi suất, giảm lãi suất khuyến khích hay sử dụng chính sách tiền tệ là những khuyến nghị nhằm hạ lãi vay…
Lãi suất khó hạ…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó khi tiếp cận tín dụng, ưu đãi giảm lãi suất không đáng kể và thực hiện thủ tục thì “trần ai”… Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc công ty cổ phần Greenspan đề xuất Chính phủ và ngân hàng có những hỗ trợ như miễn giảm lãi suất trong thời gian phục hồi khoảng 6 tháng đến một năm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sau thời gian hỗ trợ này thì vẫn có chính sách điều chỉnh mức lãi suất thấp hơn. “Chúng tôi kỳ vọng, mức lãi suất giảm dưới 5% thì doanh nghiệp mới có nguồn vốn và tính toán chiến lược để thực hiện kế hoạch kinh doanh, còn khi lãi suất cao thì việc xoay vòng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh áp lực rất lớn”.
Doanh nghiệp vẫn kêu khó khi tiếp cận tín dụng, ưu đãi giảm lãi suất không đáng kể và thực hiện thủ tục thì “trần ai”
Tìm giải pháp để hạ lãi suất, đặc biệt là câu chuyện lãi suất thực âm cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích, đánh giá. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, lãi suất thực âm là một vấn đề mà các nhà kinh tế trong nhiều năm trở lại đây trên thế giới đã đưa ra và áp dụng phù hợp trong thực tiễn. Để có được lãi suất thực âm ở các quốc gia, nhìn chung đều gắn với các điều kiện khác nhau. Ví dụ ở Nhật Bản, họ đã gắn với chế độ về bảo hiểm xã hội, đó là khi một người có tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng Bưu điện Nhật Bản, thì lập tức ngân hàng Bưu điện và Chính phủ sẽ có một khoản hỗ trợ cho người đóng góp đó, đồng thời, cơ quan sử dụng lao động cũng sẽ trích ra một tỷ lệ để hỗ trợ cho người lao động có được bảo hiểm xã hội. Như vậy, người gửi tiết kiệm có thể nhận lãi suất thực âm nhưng trong thực tế, họ lại nhận được phần lớn hơn lãi suất bình thường, đó là bảo hiểm xã hội từ hỗ trợ của Nhà nước thông qua ngân hàng Bưu điện Nhật Bản và hỗ trợ từ cơ quan sử dụng lao động, để hình thành dòng vốn bảo hiểm xã hội, về lâu dài phục vụ cho an sinh xã hội, cũng như đảm bảo đời sống.
“Cách làm này rất tốt, nhưng trong thực tế, các nhà kinh tế Nhật Bản cũng khẳng định rằng, biện pháp lãi suất thực âm không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì thế, khi có đề xuất về áp dụng lãi suất thực âm ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, đây là một đề xuất tương đối hay. Tuy nhiên đề xuất này cũng cần được mổ xẻ, nghiên cứu những mặt được và chưa được, tính phù hợp với thị trường Việt Nam, để từ đó đưa ra những quan điểm một cách chính thống, là chúng ta có nên thí điểm áp dụng hoặc áp dụng hay không. Và thực tế, nếu đưa về lãi suất thực âm thì liệu nó có giúp cho việc tiếp cận dòng vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp tốt hơn, lãi suất thấp hơn hay không, rồi liệu có đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng tín dụng và từ đó nó tác động thế nào đến việc phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, trong một giai đoạn mà doanh nghiệp đang rất cần vốn để hồi phục sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp rất mong muốn tiếp cận được nguồn vốn, nhưng phải là nguồn vốn giá rẻ trong điều kiện lạm phát ở thế giới và Việt Nam đang có xu hướng tăng cao”, ông Thịnh nhìn nhận.
Phân tích về việc vì sao mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam cứ bị thổi lên, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận xét, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn đang có rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều người không có ý chí khởi nghiệp mà chỉ muốn gửi tiền vào ngân hàng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp có lượng vốn lớn thì lại kinh doanh theo kiểu chênh lệch lãi suất, khi đạt đủ điều kiện của các ngân hàng lớn để vay tín chấp, lãi suất thấp từ 5-5,5%, thì lại bỏ vốn tự có để đi gửi các ngân hàng nhỏ với lại suất cao hơn từ 7-7,5%.
“Chúng ta có thể đọc bảng cân đối của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sẽ thấy, sau khi quyết toán gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đều sẽ nhìn thấy ngay, những thu nhập từ tài chính chính là kinh doanh chênh lệch lãi suất, vì thế tiền đi vào sản xuất kinh doanh rất ít, chỉ vào nhu cầu thực của họ một chút, còn lại đi vào kênh tiền gửi.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương cũng như Bộ Tài chính cũng khá thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát, những vấn đề này cộng hưởng lại làm cho mặt bằng lãi suất hết sức khó giảm”, ông Phạm Xuân Hoè nói.
Với quan điểm về điều hành chính sách vĩ mô hiện nay của cơ quan quản lý Nhà nước, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh hoàn toàn ủng hộ và cho rằng đó là cần thiết. Theo vị chuyên gia, nếu chúng ta có những động thái mang tính đột phá nhưng rủi ro cao thì cực kỳ nguy hiểm, vì nền kinh tế Việt Nam có mức độ chịu đựng tổn thương rất thấp. Mặc dù Việt Nam có tăng trưởng, có dự trữ ngoại hối lên đến mức 110 tỷ đô la Mỹ là một mức rất cao, nhưng so với quy định của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) thì vẫn chưa bằng và nếu so với quy định của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lại càng thấp.
“Do đó, nếu áp dụng lãi suất thực âm thì rất nguy hiểm và khi áp dụng lãi suất thực âm, nhất định đồng Việt Nam sẽ mất giá, khi đó sẽ bắt đầu xáo trộn toàn bộ các cân đối vĩ mô, từ lạm phát cho đến tăng trưởng tín dụng, cũng như xuất nhập khẩu… Để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế, thì nên lựa chọn giải pháp an toàn, phù hợp với điều kiện và sức chịu đựng của nền kinh tế còn có hạn”, vị chuyên gia nhận định.
Khuyến nghị giải pháp
Theo ông Phạm Xuân Hoè, liệu có thể giảm lãi suất hay không và đưa lãi suất về mặt bằng tốt hơn cho doanh nghiệp hay không, có thể xem trên cơ sở một số số liệu phân tích. Ông cho rằng với dòng tiền trên 12 triệu tỷ đồng tổng phương tiện thanh toán, trên 11 triệu tỷ đồng tiền gửi hoàn toàn có thể giúp Việt Nam cấu trúc lại và có mặt bằng lãi suất tốt hơn, đó là:
Dòng tiền trên 12 triệu tỷ đồng tổng phương tiện thanh toán, trên 11 triệu tỷ đồng tiền gửi hoàn toàn có thể giúp Việt Nam cấu trúc lại và có mặt bằng lãi suất tốt hơn
Thứ nhất, mở tài khoản tiền gửi và thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi vì các ngân hàng nào có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản (CASA) thì hầu như các ngân hàng đó có lãi suất đầu vào rất thấp, như Techcombank, Vietcombank,… Đây cũng là câu chuyện tạo tiền, nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông chỉ 11%, mà chỉ cần giảm xuống 8% và quay vòng liên tục thì sẽ hình thành một lượng tiền gửi không kỳ hạn cực lớn trong ngân hàng, từ đó lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên, kỷ luật thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn dân vẫn chưa ổn, nhất là vùng sâu vùng xa, hay thanh toán bất động sản đều bằng tiền mặt, mua bán xe máy, ô tô cũng bằng tiền mặt, thì tiền gửi chưa thể nằm trong hệ thống ngân hàng để lãi suất giảm, vì vậy cần phải siết lại.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất khuyến khích đối với người gửi tiền có nhất thiết phải cao không nếu duy trì lãi suất 4%, lạm phát 4% như những năm vừa qua? Chúng ta chỉ cộng khuyến khích 0,5 – 1% thì lãi suất tiền gửi 12 tháng chỉ khoảng 4,5 – 5%, vì thế những cái khác cũng sẽ theo và lãi suất margin cộng vào 2,5%, theo chuyên gia cùng lắm là lên 7,5%.
Thứ ba, có thể sử dụng công cụ thuế với tất cả những doanh nghiệp lợi dụng kinh doanh chênh lệch lãi suất. Tất cả những khoản thu từ thu nhập tài chính sẽ phải đánh thuế cao lên, khi đó doanh nghiệp sẽ phải bỏ vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, về công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương, phải quay trở về với các câu chuyện như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm lãi suất tái chiết khấu xuống và ổn định, đưa thị trường hai tốt lên thì đương nhiên sẽ hỗ trợ cho toàn bộ thị trường.
“Mặc dù cung cầu còn liên quan đến từng thời kỳ để kiểm soát lạm phát, bơm hút tiền của Ngân hàng Trung ương thông qua những công cụ đó, thì hoàn toàn có thể xử lý được câu chuyện kéo mặt bằng lãi suất xuống ít nhất 1-1,5% một năm và tôi nghĩ rằng, trước mắt chúng ta hãy bàn đến nhóm giải pháp đó”, ông Phạm Xuân Hoè khuyến nghị.
Theo Diễm Ngọc
(Diễn Đàn Doanh Nghiệp)