Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn Nguyễn Đình Thi (20.12.1924 – 20.12.2024).

Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay
Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam – Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Cũng như bao thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi đã sớm dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã nghiên cứu, viết sách về các trường phái triết học phương Tây và bí mật tìm đọc, nghiên cứu triết học Mác, tham gia hoạt động Việt Minh từ năm mười bảy tuổi.

Với lòng yêu nước thiết tha và lý tưởng sống cao đẹp, Nguyễn Đình Thi tích cực tham gia Hội Văn hoá cứu quốc từ năm 1943, trực tiếp phụ trách báo Độc lập. Ông được cử tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tháng 7 năm 1945.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II và khóa III. Ông là nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc, đầy tài năng và tâm huyết, được cử làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc tháng 9 năm 1945 và trong gần 60 năm, ông đã đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhiều cơ quan văn hóa văn nghệ của đất nước, là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2003.

Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo

Nguyễn Đình Thi là một trong những nghệ sĩ đa tài trong đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Ông sáng tác ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, tiểu thuyết, lý luận, phê bình văn chương, nghiên cứu triết học, dịch thuật, sân khấu, âm nhạc…  và có những đóng góp to lớn, mang tính kế thừa tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân tộc, đồng thời khai phá, cách tân theo hướng khoa học, hiện đại. Nguyễn Đình Thi có một phong cách thơ riêng, độc đáo, hiện đại, hàm súc, giàu nhạc điệu. Ông là nhà văn dũng cảm, luôn có mặt ở nơi mũi nhọn của cuộc sống kháng chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc.

Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi đã phản ánh chân thực cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Hai ca khúc nổi bật là Diệt phát xít (1945) và Người Hà Nội (1947) – những kiệt tác âm nhạc đã đi vào lịch sử âm nhạc của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Đình Thi xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận là một trong những người mở đường quan trọng của nền âm nhạc cách mạng.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về văn học nghệ thuật,…

“Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Nhân sự kiện này, Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Đồng thời, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật…

Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh những cống hiến lớn lao của Nguyễn Đình Thi nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

TGA

Bài Viết Liên Quan

Back to top button