Đi Hội Gầu tào mùa xuân giữa rừng mận Chiến Phố, Hoàng Su Phì
Mỗi độ Xuân về, mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc – Hà Giang lại khoác lên mình vẻ đẹp làm đắm say lòng người. Đến với Hà Giang mùa này, du khách sẽ được chìm đắm trong không khí lễ hội đặc sắc, riêng biệt mà chẳng nơi nào có. Trong đó phải kể đến Lễ hội Gầu Tào của bà con dân tộc Mông. Đây là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, độc đáo và đặc sắc.
Lễ hội Gầu Tào – nét văn hóa dân gian độc đáo
Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Mông ở Hà Giang mỗi dịp Tết đến, Xuân. Lễ hội thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến rằm tháng Giêng, trở thành ngày hội vui Xuân của đồng bào Mông, cầu phúc cho cả bản, làng. Sau khi thầy cúng thay mặt dân bản tiến hành phần nghi lễ cầu xin các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô đầy bồ, lợn, gà béo tốt, thì đến phần hội náo nhiệt với trò chơi dân gian hấp dẫn như: Leo cột, bắn nỏ, đẩy gậy, thi thêu hoa văn, thi đan quẩy tấu lát… tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt trong những ngày đầu Xuân mới.
Những nghệ nhân dân gian tại Hà Giang cho biết: Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi khấn xin thần linh ban cho con cái, sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
Theo thời gian, hội Gầu Tào đã là lễ hội vui Xuân của tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Lễ hội Gầu Tào được đồng bào Mông tổ chức hằng năm với mong ước trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, khỏe mạnh, ăn nên làm ra, chăn nuôi sinh sôi, trồng trọt được mùa. Đồng thời, lễ hội cũng nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch huyện Hoàng Su Phì.
Lễ hội Gầu Tào gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Vào ngày hội, từ sáng sớm từ khắp các bản làng, trai, gái, em nhỏ hay cụ già đều diện cho mình bộ trang phục đẹp nhất. Chàng trai Mông khỏe khoắn, dẻo dai bên chiếc khèn, cô gái Mông xúng xính với chiếc váy rực rỡ sắc màu. Cũng từ hội Gầu Tào mà nhiều đôi trai gái người Mông đã kết duyên chồng vợ.
Phần lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, huyền bí. Ông chủ hội là thầy mo và các trưởng bản có uy tín nhất làm lễ cúng. Lễ vật cúng thường phải có thủ lợn, ngô, rượu, tiền… đã được chuẩn bị tươm tất từ hôm trước. Bài cúng bằng ngôn ngữ riêng của người Mông có nội dung mời tổ tiên về dự hội, cầu cho năm mới mùa màng bội thu, lúa ngô đầy bồ, lợn, gà béo tốt, đồng bào được ấm no.
Kết thúc phần lễ, người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng bước vào phần hội, đây là phần được cộng đồng mong đợi nhất. Nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc được các chàng trai, cô gái Mông thể hiện, như: Thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn, múa gậy Sinh Tiền.
Cần phải gìn giữ, phát huy bản sắc Lễ hội Gầu Tào
Trong những năm qua, công tác tổ chức Lễ hội Gầu Tào ở các địa phương tại Hà Giang đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống, sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc. Dù quy mô tổ chức lớn hay nhỏ nhưng lễ hội đã trở thành món ăn tinh thần của người dân mỗi dịp đầu năm mới.
Lễ hội Gầu Tào gắn với quan niệm nhân sinh của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Đó là mong ước được khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội cần được gìn giữ bản sắc và phát huy mỗi dịp Tết đến, xuân về trong không khí ấm áp, vui tươi, rực rỡ sắc màu thổ cẩm, tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng khèn độc đáo của đồng bào Mông.
Với những giá trị trên, ngày 27/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những ngày đầu năm mới, du Xuân vùng cao để thưởng ngoạn thiên nhiên hữu tình với rợp trời sắc thắm của những loài hoa, sắc màu váy áo thổ cẩm rực rỡ của bà con các dân tộc, hòa mình vào không khí hân hoan, náo nhiệt của Lễ hội Gầu Tào đậm đà bản sắc chắc hẳn sẽ đem đến trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong lòng du khách khi đến với Hà Giang mỗi độ Xuân về.
Lê Quân