Dệt may đối mặt với quý II vô cùng khó khăn
Các doanh nghiệp dệt may vừa trải qua những tháng đầu năm trầm lắng và dự báo quý II chưa đưa ra được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, so với tháng trước, thị trường dệt may tháng 3 đã có những thay đổi theo hướng kém tích cực. Sự kiện đổ vỡ các ngân hàng nhỏ ở Mỹ và ngân hàng Credit Suise của Thụy Sỹ chưa được các tổ chức kinh tế hay Chính phủ các nước này cảnh báo trước. Hậu quả của sự kiện trên chưa thể đánh giá được tác động tiếp theo.
Trên thị trường, tồn kho của các hãng vẫn ở mức cao, doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm sâu. Trong bối cảnh đó, những thách thức kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị tiếp tục làm giảm tâm lí khách hàng. Tại Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam, doanh thu bán lẻ hàng may mặc giảm trong 3 tháng đầu năm và chưa thấy dấu hiệu phục hồi trong các tháng tiếp theo.
Tổng cầu dệt may suy giảm đã tác động đến giá bán sợi cũng giảm theo. Dự báo trong quí II giá bông sẽ tăng nhẹ dao động ở mức 2.1 – 2.4 USD/kg. Giá xơ có thể tiếp tục duy trì giá hiện tại hoặc tăng nhẹ trong quí II theo giá dầu và giá bông. Các tín hiệu hồi phục của thị trường sợi vẫn chưa rõ ràng, cầu dệt may vẫn yếu do tồn kho tăng dẫn đến giá sợi chưa có động lực để cải thiện.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong quý I ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ. Riêng tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 3,298 tỷ USD, tăng 18,11% so với tháng trước và giảm 12,91% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý I/2023 đạt 5,087 tỷ USD, giảm 17,97% so với cùng kỳ 2022.
Dự báo tình hình quý II, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng của tháng 4 và dự kiến từ tháng 7 – 8 thị trường mới có khả năng thay đổi.
Chung nhận định, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu cho biết, quý I thị trường trầm lắng, sức mua giảm, giá giảm, tồn kho của các nhãn hàng tăng cao. Các dự báo đều chưa đưa ra được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu, doanh nghiệp đang phải đối mặt với quý II vô cùng khó khăn.
Tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, nhiều doanh nghiệp nhận định, khó khăn trên là chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, để thích ứng với thị trường bất định, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các thành viên của Hiệp hội đang cố gắng chủ động linh hoạt và thích ứng với mục tiêu ổn định tài chính, duy trì bộ máy sản xuất và đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động. Giải pháp quan trọng nhất được thực hiện trong thời điểm này là tập trung vào công tác thị trường, tái định vị lại khách hàng và sản phẩm, hướng tới thị trường nội địa để vượt qua khó khăn.
Là doanh nghiệp lớn, có vị thế trên thị trường trong và ngoài nước song theo ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc công ty May 10, công ty đang phải nhận định lại, tập trung vào định vị sản phẩm, thị trường và quản trị công nghệ cũng như mô hình sản xuất để có hướng đi phù hợp.
Trao đổi với báo chí, ông Thân Đức Việt cho hay: May 10 phải tái cấu trúc, định vị lại doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn phát triển. Với 2 thị trường lớn là xuất khẩu và nội địa, dịp này May 10 định vị lại thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài những thị trường truyền thống, May 10 hướng đến những thị trường mới và tiềm năng như Nam Phi, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc…
Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới. Cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn sẽ cập nhật, thông tin kịp thời về diễn biến thị trường để các đơn vị có cơ sở trong việc đàm phán với khách hàng và tổ chức kế hoạch sản xuất.
Các doanh nghiệp trong Tập đoàn cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Đồng thời, quan tâm quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất. Đặc biệt các doanh nghiệp cần có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn