Đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt có trái luật?
Chuyên gia cho rằng, đề xuất không dùng tiền mặt khi mua bán vàng là tốt và cần thiết. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nếu áp dụng vào thời điểm này sẽ không khả thi, thậm chí là trái luật…
Theo đó, nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.
“Khổ” doanh nghiệp – “khó” người dânBình luận về nội dung này, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, theo chủ trương của Chính phủ hướng xã hội đến thanh toán không dùng tiền mặt, vàng là hàng hóa đặc biệt, có giá trị cao nên việc thanh toán không dùng tiền mặt là đương nhiên.
Hiện nay, hành lang pháp lý đã có, Ngân hàng Nhà nước đã quy định mức không sử dụng tiền mặt là từ 20 triệu trở lên, do đó vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ. Theo vị chuyên gia, nếu mua số lượng vàng lớn thì có thể áp dụng hình thức chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt. Song nếu chỉ mua nhỏ lẻ nửa chỉ vàng, hay mua vàng thì có thể giao dịch tiền mặt bình thường.
“Việc quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch vàng không ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường vàng mà tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đề xuất trên về tính minh bạch thì tốt nhưng không khả thi, bởi vàng khác với xăng dầu, xăng dầu là đối tượng người ta làm có cơ sở vật chất, có điều kiện để phát hóa đơn, ngoài ra không phải người dân nào cũng có tài khoản, nếu quy định vậy sẽ bất tiện cho người dân.
“Hiện, các đối tượng mua vàng tại Việt Nam rất phong phú, có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, họ mua vàng để tích trữ, phòng các trường hợp rủi ro, hoặc mua để biếu, tặng với số lượng nhỏ từ nửa chỉ đến một vài chỉ vàng và những đối tượng này thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản nên việc cấm dùng tiền mặt là làm khó người dân”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết thêm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng ở Việt Nam người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, cho nên việc cấm tuyệt đối dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không thể, kể cả là mua bán vàng.
Cũng theo ông Long, đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. “Theo tôi, Ngân hàng nhà nước quy định thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch vàng từ 1 lượng vàng trở lên sẽ khả thi và phù hợp hơn”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Đề xuất có trái luật?Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, theo luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự, hiện nay việc thanh toán không tiền mặt mới chỉ dừng ở mức khuyến khích, chứ chưa có bất cứ mặt hàng nào bắt buộc người dân phải thanh toán không dùng tiền mặt thì mới được phép mua.
Do vậy, luật sư Nhung cho rằng Tổng cục Thuế đề xuất cấm giao dịch, mua bán vàng bằng tiền mặt là không hợp lý. Thậm chí theo luật sư, nếu quy định này áp dụng vào thực tế ở thời điểm này là trái luật!
Lý giải rõ hơn về điều này, luật sư Nhung cho biết, ngay cả trong Luật Kinh doanh bất động sản mà Quốc hội vừa thông qua cũng chỉ quy định các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng.
Còn đối với các cá nhân bán nhà ở, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ… đều không cần thiết bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, tránh can thiệp sâu vào các giao dịch dân sự.
Hơn nữa, theo luật sư Lê Thị Nhung, dù tỉ trọng thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Nhưng hình thức thanh toán không tiền mặt hiện nay chủ yếu mới tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chứ chưa phổ biến rộng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… Không dùng tiền mặt là xu hướng chung, nhưng với những người dân ở vùng sâu, vùng xa chỉ mua nửa chỉ vàng cũng phải thanh toán qua tài khoản thì rất khó.
“Vậy thì tại sao vàng – chỉ là một mặt hàng nhưng lại cần phải có quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt”, luật sư Nhung đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, theo ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đến nay cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc), bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh. Vì thế, việc áp dụng sẽ thêm những phức tạp không cần thiết cho việc kinh doanh.
Ông đặt vấn đề, trên thực tế, chưa có ngành kinh doanh nào áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn. “Tại sao lại muốn áp dụng với ngành vàng? Các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến khích bớt sử dụng tiền mặt, chứ chưa có quốc gia nào đưa quy định 100% mặt hàng nào đó không được mua bán bằng tiền mặt”, ông Khánh nói.
Ông Khánh phân tích thêm, nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi “ngầm” hết.
Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn.
“Để minh bạch thị trường vàng, trước hết các cơ quan chức năng nên tiến hành một cuộc khảo sát với nhiều nhóm tuổi khác nhau để biết được họ nghĩ gì về đề xuất mua bán vàng bằng tiền mặt có tiện lợi hay bất tiện như thế nào. Sau đó, mới xem có nên áp dụng giải pháp này vào cuộc sống hay không, tránh được những bất cập trong quá trình thực hiện”, ông Khánh đề xuất.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn