Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Các doanh nghiệp không đồng tình với việc xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh.
Chủ tịch Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 17/8.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, VCCI nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và kiến nghị chung của các hiệp hội doanh nghiệp về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc xây dựng các quy định về BHXH cần hài hòa, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo nguồn thu, việc làm và lượng đóng BHXH nâng lên. Đó là cách nâng cao quy mô, chất lượng của công tác BHXH, thực hiện an sinh xã hội tốt hơn.
Vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là mức đóng, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng bảo hiểm xã hội cao hơn Việt Nam còn lại những nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn Việt Nam rất nhiều, ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Tỷ lệ đóng của Việt Nam là 17% với doanh nghiệp, nếu cộng tất cả các loại cả phần đóng góp của người lao động, cả bảo hiểm y tế lên tới 32%”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, tỷ lệ đóng cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khi đó đơn hàng sẽ ít đi. Để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển BHXH thì cần xem xét, cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH.
Chủ tịch VCCI cũng nêu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp xem xét giảm mức đóng xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.
Liên quan quy định tại Điều 43 về trốn đóng BHXH bắt buộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Luật hiện hành có hành vi chậm đóng nhưng dự thảo luật sửa đổi loại bỏ hành vi chậm đóng, chỉ còn trốn đóng.
Bày tỏ ủng hộ có chế tài với trốn đóng BHXH, song theo Chủ tịch VCCI chậm đóng cũng là thực tế trong cuộc sống, nếu loại bỏ hành vi này là chưa hợp lý.
Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài thấy khi vào Việt Nam rất dễ gặp hành vi vi phạm pháp luật. “Chúng tôi cho rằng cần khôi phục khái niệm chậm đóng BHXH”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kiến nghị.
Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, về chế tài ngừng sử dụng hóa đơn và hoãn xuất cảnh, nhiều doanh nghiệp không đồng tình. Bởi điều này sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn nếu vi phạm tài chính thì xử lý về kinh tế và tài chính, không nên xử lý bằng hình thức này, bởi hình thức này đã có chế tài khác.
Đơn cử, một doanh nghiệp bị hỏa hoạn, họ đang từ chậm nộp BHXH lại trở thành trốn đóng BHXH, đúng lúc đó lại bị dừng hóa đơn sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể hoạt động kinh doanh và như vậy doanh nghiệp sẽ bị mất đi cơ hội phục hồi.
“Quy định như vậy là chúng ta đang tự lấy đá ghè chân, muốn đóng nhiều BHXH hơn nhưng quy định lại làm nguồn thu hẹp lại”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Do đó, VCCI đề nghị nên chuyển thành chế tài hành chính, có thể quy định mức phạt tăng dần theo thời gian chậm nộp như vậy sẽ hợp lý hơn.
“Bởi Bộ Luật Hình sự cũng có chế tài với những đối tượng trốn đóng BHXH, không cần tăng cường thêm trong Luật này, sẽ bị trùng lặp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.