Đề cử Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới
Chính phủ vừa đồng ý gửi UNESCO hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” ghi vào danh mục Di sản thế giới.
Đây là hồ sơ về quần thể di tích đầu tiên trong cả nước xây dựng trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, trải dài hàng trăm km2.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý giao Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký hồ sơ đề cử gửi UNESCO. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước Di sản thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Hồ sơ có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, để có thể chứng minh và tuyên bố ra thế giới được giá trị “Nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn”, “Tính xác thực”, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã đồng thời chỉ đạo triển khai cả 3 phương pháp: Vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.
Được biết, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc với 32 địa điểm được lựa chọn trong hồ sơ đề cử, tập trung ở 5 khu di tích, điểm di tích trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Quần thể di tích và thắng cảnh bao gồm khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và khu di tích lịch sử – văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng không chia cắt của địa giới hành chính nên cần sự phối hợp để bảo đảm sự vẹn toàn, quy mô của di sản.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, việc xây dựng hồ sơ khoa học được ngành văn hóa Hải Dương coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian qua. Đơn vị đã tham gia các hội nghị, tọa đàm khoa học xác định giá trị quần thể di tích; tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương tham gia các cuộc tọa đàm khoa học, các cuộc họp do Bộ VHTTDL và các tỉnh tổ chức với sự tham gia của các các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nhận diện cơ sở khoa học, thực tiễn, giá trị nổi bật của di sản để thống nhất về loại hình di sản và tiêu chí lựa chọn. Đồng thời, phối hợp tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang có nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, địa chất và khảo cổ học để xây dựng dự thảo báo cáo…
Được biết, vào tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới…
Từ đó đến nay, UBND 3 tỉnh liên tục họp bàn với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế để lấy ý kiến, xây dựng hồ sơ. Qua rất nhiều lần đổi tên, hiện nay hồ sơ mang tên chính thức là hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc”.
Ngoài ra, 3 địa phương này đã rất quyết liệt triển khai các công việc liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ đề cử. Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác xây dựng hồ sơ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế để xác định các tiêu chí, giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Yên Tử nói riêng trong Quần thể di tích và danh thắng “Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” nói chung. Đặc biệt, 3 địa phương đã mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNESCO sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn.
Mới đây nhất, vào tháng 9/2023, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh cùng Lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) và Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã làm việc với bà Maria-Laure Lavenir, Tổng giám đốc Hội đồng quốc tế Di tích và Di chỉ (ICOMOS) về quy trình, nội dung Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới.
Theo ông Nguyễn Nam Phương – Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hải Phòng, việc hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới sẽ là cơ hội để Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang vừa quảng bá xúc tiến thương mại, vừa quảng bá du lịch của địa phương.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết: “Để “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trở thành di sản thế giới còn là một chặng đường rất dài, song với việc gửi hồ sơ tới UNESCO là một bước tiến quan trọng của 3 tỉnh trong hành trình ghi danh quần thể di tích và danh thắng trở thành di sản của nhân loại. Đồng thời, mở ra cơ hội để phát triển du lịch thông qua khai thác các giá trị văn hóa. Bởi hiện nay, mô hình du lịch kết hợp khám phá văn hóa đã nhanh chóng trở thành xu hướng mới, vừa mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị, vừa góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa”.
Được biết, sau khi hồ sơ được trình UNESCO, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) – là tổ chức tư vấn độc lập sẽ cử chuyên gia đánh giá, sau đó khuyến cáo, nếu cần thiết sẽ tiếp tục phải chỉnh sửa, bổ sung. Theo kế hoạch, hồ sơ chính thức “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” sẽ được trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2023.