ĐỂ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CỦA TPHCM PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Gần đây trong dư luận cũng như cả diễn đàn Quốc hội người ta bàn luận nhiều về cái đặc thù trong chính sách, nhất là trong chính sách phát triển cho đầu tàu kinh tế cả nước là thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề lại nóng hơn khi các chuyên gia cho rằng Nghị quyết 54 của Quốc hội chưa đủ mạnh và thực tiễn là tăng trưởng của thành phố Hồ Chí Minh quý I/2003 xuống thấp đáng báo động.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội) băn khoăn tại sao từ một thành phố năng động, sáng tạo. dám nghĩ, dám làm giờ như ngưng lại, cái gì cũng hỏi ở trên. TP. HCM không dám tự quyết, không dám tự làm, không dám vượt rào. Ông Cường đề nghị cần thiết phải có một nghị quyết để “đầu tàu” tháo gỡ rào cản. Nghị quyết này cũng để họ không thể nói rằng: Tôi không làm vì vướng thể chế, vướng luật pháp.
Chẳng hạn như vấn đề tiền lương, nên trao cho TP. HCM toàn quyền quyết định về vấn đề lương, thưởng cho cán bộ, công chức. Nghĩa là TP. HCM có thể trả lương cao như doanh nghiệp tư nhân nhưng phải tạo ra nguồn tiền. Không còn phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”, cán bộ, công chức mới an tâm làm việc, không còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Như vậy, TP. HCM phải cấu trúc lại bộ máy, tinh giản con người, thay đổi cách làm… để nâng cao hiệu quả công việc.
Đành rằng cần kiến nghị được trao cho các cơ chế đặc thù để khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của trung tâm kinh tế lớn, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng thành phố Hồ Chí Minh cũng phải chủ động nhiều hơn nữa và xem xét nội tại sức mạnh của chính mình. Nên lập các nhóm nghiên cứu chủ động chỉ đích danh điểm nghẽn, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chứ không nên chỉ hỏi và thụ động ngồi chờ. Con người, nguồn nhân lực là quan trọng và nhất là vai trò người đứng đầu.
Nhân đây cũng xin nhắc lại một số nội dung quan trọng. Ngày 28/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/BTGTW thực hiện Kết luận 01, trong đó nêu bật vai trò của vấn đề nêu gương.
Đây là quan điểm nhất quán trong việc phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; người có trách nhiệm càng cao thì càng phải nêu gương sáng, bởi sự tác động, ảnh hưởng của họ đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân càng lớn. Vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Đây có thể xem là một phương châm mới trong việc thể hiện tính nêu gương, đó là lãnh đạo cấp trên nêu gương trước, tiếp theo là cấp dưới; cấp dưới đó lại đứng đầu bộ phận nhỏ thì tiếp tục phải gương mẫu đối với cấp dưới của mình và quần chúng, cứ như vậy tiếp nối.
Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác, chống cục bộ địa phương, bè phái trong công tác cán bộ. Sự nêu gương của lãnh đạo không phải là cố tạo ra hình ảnh đẹp mà phải luôn nỗ lực vì sự phát triển của địa phương, đơn vị, vì lợi ích của nhân dân. Các quyết định được đưa ra cũng phải là một sự nêu gương ở khía cạnh, mỗi quyết định đều được nghiên cứu thấu đáo, có mục tiêu rõ ràng, có tính khả thi cao, phát huy được trí tuệ tập thể của cơ quan, đơn vị…
Khi chưa giải quyết được sức mạnh nội lực, chưa hoàn thiện được tâm lý, chất lượng, sự cống hiến của nguồn nhân lực thì mọi sự “đặc thù” khó phát huy tác dụng.