Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2023
Ngày 27/12, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” năm 2023.
Trong năm 2023, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã chủ động, tập trung cao cho công tác chỉ đạo hướng dẫn và triển khai Đề án một cách nghiêm túc, hiệu quả đến Hội LHPN các huyện, thị xã đồng thời tăng cường công tác đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện tại các cấp hội.
Các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, mô hình kinh tế tập thể được tập trung đẩy mạnh, đặc biệt chủ động xây dựng các tài liệu tuyên truyền liên quan đến Đề án.
Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức 31 cuộc tập huấn về nội dung của đề án cho trên 3.000 cán bộ chuyên trách Thành, quận, huyện, cán bộ, hội viên phụ nữ tại 18 huyện, thị xã. Chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền các nội dung của Đề án; các hoạt động của Hội tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên các nền tảng truyền thông của Hội và phương tiện thông tin đại chúng; Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo Ban Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, website và fanpage Hội LHPN Hà Nội đăng tải tin bài tuyên truyền về hoạt động về các mô hình kinh tế tập thể, gương điển hình cá nhân làm kinh tế của phụ nữ nông thôn; các chính sách mới trong nông nghiệp, nông thôn…
Tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, trật tự văn minh đô thị. Mô hình thí điểm về “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” đạt kết quả tốt được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.
Về mô hình Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn, sau một năm triển khai, đã có 50.761/66.681 (đạt 76,12%) hộ gia đình hội viên phụ nữ áp dụng thành công phương pháp ủ phân hữu cơ, sản phẩm phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn, giúp giảm từ khoảng gần 13 tấn rác thải (khoảng 40%) xả trực tiếp ra môi trường. Kết quả, tính đến nay đã có 18/18 huyện, thị xã đã triển khai và nhân rộng thêm mô hình tại 237 xã với sự tham gia của 66.681 hộ dân.
Đối với mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” đã triển khai hình thí điểm tại 9 xã của huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thạch Thất; Tổ chức 18 buổi tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ, những lợi ích của việc tận dụng nguồn rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng có sẵn tại đồng ruộng để chế biến thành phân bón hữu cơ, các biện pháp xử lý, tái chế rơm, rạ, cây trồng sau vụ thu hoạch… với sự tham gia của 2.700 đại biểu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ, hội viên phụ nữ làm nông nghiệp tại 9 địa bàn làm điểm; Tổ chức khảo sát nhu cầu thực hiện mô hình; 11 đơn vị (gồm các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đan Phượng, Gia Lâm, Thường Tín) tổ chức cho 44.783 hộ gia đình làm nông nghiệp ký cam kết không đốt rơm rạ tại cánh đồng sau thu hoạch và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thành phân bón hữu cơ.
Các hoạt động giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt.
Lê Minh