Đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Trung Quốc
Để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong ngành điện tử giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Nhà xuất bản quốc tế ACT (Trung Quốc) và Tạp chí Điện tử Vietnet24h tổ chức Hội thảo Quốc tế tại Hà Nội với chủ đề: “Sản xuất thông minh trong ngành điện tử: Kết nối và Phát triển chuỗi cung ứng”.
Sự kiện diễn ra ngày 8/8/2024, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử của Việt Nam và Trung Quốc. Hội nghị không chỉ tập trung vào các vấn đề công nghệ mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối và phát triển chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Với vị trí địa lý độc đáo, nguồn lao động dồi dào và môi trường đầu tư mở, Việt Nam đang trở thành lựa chọn mới cho ngành sản xuất điện tử toàn cầu. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư đều nhận thấy nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp Việt Nam về đào tạo kỹ thuật, xây dựng đội ngũ nhân tài và thông tin kỹ thuật mới nhất, đồng thời họ cũng thấy tiềm năng hợp tác và cơ hội phát triển không giới hạn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết: cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh, tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề khác nhau đặc biệt là ngành điện tử, ngành luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ, sản xuất thông minh.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam từ thế giới đã đạt 87,9 tỷ USD trong năm 2023 và đạt 49,32 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã sản xuất và xuất khẩu 57,3 tỷ USD mặt hàng này ra thế giới năm 2023 và 33,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong các đối tác thương mại của Việt Nam, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc. Năm 2023, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử, và linh kiện của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23 tỷ USD.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động kết nối, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ, Uỷ viên BCH VEIA: trong 7 tháng đầu năm, ngành điện tử xuất siêu đạt 8.051 triệu USD và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu điện thoại, linh kiện lớn nhất với tỷ trọng chiếm 28% thị phần xuất khẩu của ngành điện tử Việt Nam.
Các công ty sản xuất điện tử như Foxconn, Luxshare đã tích cực tham gia hợp tác và xây dựng thị trường Việt Nam bằng cách xây dựng nhà máy mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất. Năm 2021, Foxconn đầu tư 453 triệu USD SX lắp ráp máy tính bảng, đầu năm 2023, công ty con của Foxconn cũng đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ. Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như Foxconn, Pegatron,…
Với các chủ đề về dịch chuyển sản xuất thông minh và tham gia chuỗi cung ứng, đại diện các doanh nghiệp điện tử lớn từ Trung Quốc, chuyên gia đã thuyết trình và thảo luận chuyên sâu về những tiến bộ mới nhất trong sản xuất điện tử, những đột phá công nghệ quan trọng và vai trò cốt lõi trong việc nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp. Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển hướng sản xuất thông minh trong ngành điện tử, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tham gia kết nối và phát triển chuỗi cung ứng cũng như việc vận hành các nhà máy thông minh, cải thiện năng suất.
Bên lề Hội nghị, các đại biểu còn có cơ hội tham gia các chuyến tham quan nhà máy tại Bắc Ninh để có thể nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển của hai công ty sản xuất địa phương nổi tiếng của Việt Nam là Hanel PT và VNPT Technology, nhằm mở ra những ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển sinh thái lành mạnh của ngành công nghiệp điện tử địa phương, kết nối và phát triển chuỗi cung ứng vì sự thịnh vượng chung của ngành tại Việt Nam.
Lê Quân