Đầu tư cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ: Khốc liệt cuộc đua cảng trung chuyển tại châu Á
Cạnh tranh cảng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á trong những năm vừa qua là vô cùng khốc liệt. Việt Nam cần “chiến lược ngách” trong cuộc đua này.
Cạnh tranh cảng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á trong những năm vừa qua là vô cùng khốc liệt. Việt Nam cần “chiến lược ngách” trong cuộc đua này.
Cạnh tranh cảng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, hay rộng hơn là trong khu vực châu Á, trong những năm vừa qua là vô cùng khốc liệt. Một cảng trung chuyển quốc tế nổi tiếng mà chúng ta đều biết là Hồng Kông, vào năm 2012 còn là cảng container có sản lượng thông qua nhiều thứ 3 trên thế giới với trên 23 triệu TEU thông qua, năm 2021 vừa qua, cảng này chỉ còn khai thác gần 18 triệu TEU và đã tụt xuống thứ 9 trên bảng. Các cảng ở Singapore và Malaysia đã gia tăng năng lực trung chuyển rất đáng kể trong thời gian qua, điển hình là bến cảng Tuas tại Singapore với công suất mỗi năm lên đến 60 triệu TEU.
Trong khi đó, cảng Cái Mép của Việt Nam có thể thực hiện trung chuyển quốc tế, nhưng sản lượng trung chuyển quốc tế tại đây chưa cao, chỉ khoảng dưới 10% tổng sản lượng và chủ yếu là hàng từ Campuchia. Do đó, có thể nói, gia nhập thị trường trung chuyển quốc tế trong giai đoạn một thập niên tới là không hề đơn giản.
Trong một hội thảo quốc tế tổ chức năm 2017 tại Singapore, các chuyên gia tham dự đã khá đồng thuận với nhau khi cho rằng tại Đông Nam Á sẽ khó có thêm một cảng trung chuyển quốc tế trong thời gian tới. Giới chuyên gia cho rằng đến năm 2022, nhận định này vẫn là có cơ sở.
Tại Việt Nam, một thời, cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong được chính Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (thời điểm đó là Vinalines) làm chủ đầu tư chính là bài học đắt giá. Đề xuất của Vinalines về cảng trung chuyển nước sâu có thứ hạng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với diện tích 750 ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bến khoảng 12.564 m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm, có tổng mức đầu tư 3,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, dự án sau đó “đổ bể” chỉ còn những cọc thép trơ trọi dở dang sau 13 năm khởi công, tính phi thực tế của dự án Vân Phong cho ta nhiều bài học về cảng trung chuyển container.
Nguồn:diendandoanhnghiep.vn