Đấu giá biển số ô tô: Cần xử nghiêm nếu “bùng cọc”, “hủy kèo”
Việc số tiền trúng đấu giá biển số xe ô tô lên tới hàng chục tỉ đồng đang làm nóng dư luận, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại người trúng đấu giá sẽ có thể “bỏ cọc”, gây ra những hệ lụy phát sinh…
Theo đó, ngày 15/9/2023 vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá biển số xe ô tô đầu tiên, với 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố; dự kiến thu về cho ngân sách tổng cộng hơn 82 tỉ đồng. Trong số này, nhiều biển số được chốt mức giá “không tưởng” như: 51K-888.88 của TP.HCM hơn 32 tỉ đồng; 30K-555.55 và 30K-567.89 của Hà Nội lần lượt hơn 14 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng; 36A-999.99 của Thanh Hóa gần 7,5 tỉ đồng…
Theo quy định, trong thời hạn 7 ngày nhận được kết quả, biên bản và danh sách người trúng đấu giá từ Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, Bộ Công an sẽ ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá và gửi thông báo đến người trúng đấu giá. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước (40 triệu đồng) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Như vậy, trường hợp người trúng đấu giá thực hiện việc nộp tiền đúng quy định, ngân sách sẽ thu về khoản tiền rất lớn. Mục tiêu của việc đấu giá biển số xe sẽ được đảm bảo. Ngược lại, quá thời hạn đã nêu, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền hoặc bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bởi chế tài nào?
Trao đổi xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính) cho rằng, cần có một chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm nếu tự ý “bùng cọc”, “hủy kèo” sau đấu giá.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc đấu giá các tài sản công, trong đó có đấu giá biển số xe theo hình thức trực tuyến vừa qua, rất nên làm, cần ủng hộ vì có tác động lớn tạo ra sự công khai, minh bạch. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, văn minh hơn cho mọi người khi ai có nhu cầu, thích hơn sẽ trả giá cao hơn như biển số xe.
Hoạt động này cũng ngăn chặn tư túi, móc ngoặc, tham nhũng vặt và nâng lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng, quản lý. Nhất là đối với biển số xe, dù thực hiện bấm biển ngẫu nhiên nhưng vẫn có những hành vi tiêu cực để chọn biển đẹp mà báo chí, dư luận đã phản ánh, thậm chí có vụ bị phanh phui. Hoạt động này cũng giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, biển số xe theo quan điểm phong thủy là dãy số đẹp thường không quá nhiều, nói cách khác là một lượng giới hạn. Vì vậy thời gian tới không chỉ biển số xe mà cần nghiên cứu sửa đổi các quy định hoặc có cơ chế thí điểm để có thể đấu giá các tài sản khác như nhà cửa, đất đai, trang thiết bị, xe cộ công sản… trực tuyến.
“Đây cũng là việc thể hiện rõ chính quyền số, kinh tế số, giảm chi phí, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, về khả năng bùng hay bỏ cọc thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá, như trước đây ở Thủ Thiêm (TP.HCM), do đó cần phải xem xét phù hợp. Cần có quy định chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bùng cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 – 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác…
“Riêng về việc quy định cá nhân hay doanh nghiệp cần chứng minh tài chính để tham gia đấu giá, tôi cho rằng chỉ phù hợp với đấu giá đất đai, còn với biển số xe là không phù hợp bởi sẽ không thể biết được cụ thể giá của biển số đó bao nhiêu để có yêu cầu”, ông Thịnh chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, hiện nay, theo quy định, với trường hợp bỏ cọc trúng đấu giá biển số ô tô ngoài việc mất tiền cọc 40 triệu đồng thì chưa có chế tài xử lý thêm. Cũng theo luật sư Biên, thực tế mức cọc 40 triệu đồng nhưng có những biển trúng đấu giá lên tới cả chục tỉ đồng thì số tiền cọc hiện tại là thấp, không thỏa mãn tính đảm bảo của việc đặt cọc.
“Thời gian tới các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu mức cọc theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, trong đó tính theo tỉ lệ phần trăm, ở mức 5 – 10% giá trị. Với việc đấu giá chính là hình thức bán hàng, trong đó Nhà nước là người bán còn doanh nghiệp, cá nhân là người mua, do đó phải tuân theo các quy định về pháp luật dân sự, hợp đồng. Không nên áp dụng quá cứng nhắc các quy định chỉ nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo thực hiện giao dịch vì không toàn diện”, luật sư Biên kiến nghị.