Dấu ấn doanh nhân cựu chiến binh

Nỗ lực vươn lên, quyết tâm đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế tư nhân, xứng đáng là những chiến sỹ doanh nhân cựu chiến binh.

Có thể nói, trên hành trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, không thể không nhắc đến những doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh. Họ luôn luôn tiên phong, được hình thành và lớn mạnh từ thực tiễn – nơi có sự gắn kết chặt chẽ giữa con người, đất đai và tư duy đổi mới. Trong số đó, nhiều gương điển hình tiêu biểu là những doanh nhân cựu chiến binh sau nhiều năm công tác tại quân đội, chuyển ngành và về địa phương phát triển kinh tế, ghi nhiều dấu ấn trong hành trình phát triển kinh tế tư nhân.

Đặc biệt hơn, họ là những người trở về từ chiến trường với muôn vàn khó khăn. Song, với bản lĩnh người lính, họ đã từng bước vươn lên và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất uy tín, tạo những sản phẩm chất lượng cao không chỉ phục vụ nội địa, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài và được đánh giá là cao, nằm trong top doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng đầu Việt Nam.

Dấu ấn doanh nhân cựu chiến binh
Với bản lĩnh người lính, các doanh nhân cựu chiến binh đã từng bước vươn lên, vận hành doanh nghiệp sản xuất uy tín.
Cam kết của những người lính

Sinh ra tại Quảng Trị – một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ông Võ Quang Thuận sớm mang trong mình tinh thần kiên cường, bền bỉ của con người miền Trung. Năm 1984, sau khi chuyển ngành từ quân đội, ông đưa gia đình vào vùng đất Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai) để lập nghiệp, và bắt đầu con đường gắn bó với ngành cao su. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất này, cùng với chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân từ Đảng và Nhà nước, ông Thuận đã quyết định thành lập một cơ sở sản xuất nhỏ mang tên “Doanh nghiệp tư nhân Thuận Dung” – tiền thân của Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi (Thuận Lợi) ngày nay.

Chia sẻ về hành trình thành lập doanh nghiệp sau khi chuyển ngành từ quân đội, ông Võ Quang Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi, cho biết, Thuận Lợi chính thức ra đời vào tháng 7 năm 2004, và tính tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã trải qua hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển. Nhờ định hướng chiến lược đúng đắn và đầu tư công nghệ hiện đại, Thuận Lợi hiện nằm trong nhóm dẫn đầu các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên tại Việt Nam. Mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 130.000 tấn sản phẩm, đạt kim ngạch hơn 200 triệu USD, với các thị trường tiêu biểu như Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước châu Âu, châu Á, khu vực Bắc – Nam Mỹ…

Cũng theo ông Thuận, năm 2016 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Thuận Lợi khánh thành Nhà máy LATEX với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị dây chuyền hiện đại nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, công suất đạt tới 60.000 tấn/năm. Đây là bước đệm quan trọng giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các dòng sản phẩm như SVR 3L, SVR 10, SVR CV60, MIXTURES OF SVR 3L, MIXTURES OF SVR 10, RSS1, LATEX… đáp ứng cả tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

“Với phương châm “chất lượng là yếu tố hàng đầu, tạo nên uy tín và bền vững”, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý đầu tư đồng bộ vào nhân lực, máy móc và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc. Đồng thời, công ty luôn đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả sản xuất đi đôi với việc nâng cao đời sống người lao động”, ông Thuận nhấn mạnh.

Dấu ấn doanh nhân cựu chiến binh
Ông Võ Quang Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi.

Theo ông Thuận, cùng với đó, hưởng ứng Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Công ty Thuận lợi không chỉ tập trung mở rộng quy mô sản xuất, mà còn đặc biệt ưu tiên cho chiến lược phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Trong những năm gần đây, Thuận lợi đã đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp công nghệ xanh: sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời (solar), nhiên liệu sinh khối (biomass), áp dụng quy trình tuần hoàn tái sử dụng nước thải 100%, thu hồi khí NH3 để sản xuất phân bón lá, tái chế bùn vi sinh thành phân compost phục vụ nông nghiệp. Hơn 2 triệu mét khối nước thải đã được xử lý và tái sử dụng hoàn toàn, là một minh chứng rõ ràng cho cam kết sản xuất “không phát thải”. Điều này không chỉ đơn thuần và thể hiện cho một thương hiệu Thuận Lợi, mà trong đó còn có tinh thần với lời cam kết của một người lính, doanh nhân cựu chiến binh.

Từ chiến trường đến thương trường

Tương tự, từng là người lính trở về sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lê Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Leglor, chia sẻ: nếu như trong chiến trường vũ khí và ý chí là yếu tố quyết định sự thắng lợi, thì trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ là bí quyết giúp doanh nghiệp tăng cao lợi nhuận. Và chính những năm tháng chiến đấu trên chiến trường đã giúp cho tôi rèn luyện ý chí và nghị lực để khi trở về với đời thường và không ngừng phát huy nghị lực ấy, nghị lực của một người lính.

Theo ông Mạnh, với 38 năm trong ngành chế biến, sản xuất và xuất khẩu gỗ, tôi hiểu “thương trường như chiến trường”. Và đây chính là cuộc chiến đầy cam go và không thể nói là dễ dàng, nhất là trong những năm gần đây, do ảnh hưởng và những bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng đang làm cho thị trường trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn.

Dấu ấn doanh nhân cựu chiến binh
Ông Lê Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Leglor.

“Chính sách tài chính – tiền tệ nhìn chung vẫn thắt chặt ở nhiều quốc gia tạo áp lực lên chi phí vay và tăng nguy cơ suy thoái. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Trung Đông đe dọa gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu và điều này làm ảnh hưởng tới nguồn nhiên liệu sản xuất hàng hoá. Đồng thời, xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt, thể hiện qua sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, làm suy yếu hợp tác quốc tế và hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, vẫn biết là rất khó, nhưng với bản lĩnh người lính, đặc biệt là trong thời gian vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ trụ cột” nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, là một trong những động lực để những người lính chúng tôi tiếp tục phấn đấu. Và với động lực ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua, xứng đáng là những chiến sỹ với danh hiệu “doanh nhân cựu chiến binh”.

Bài và Ảnh: Hương Giang (Diễn đàn Doanh nghiệp)

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button