Đào tạo nghề – chìa khóa giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông

Hoạt động đào tạo nghề cho lao động được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Đắk Nông xác định là chìa khóa để giảm nghèo bền vững cho người dân.

Từ dạy nghề nông nghiệp…

Đào tạo nghề – chìa khóa giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông

Anh Chu Văn Hiệp, thôn 4, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có 1ha đất trồng hồ tiêu, cà phê. Anh Hiệp cho rằng, thời gian qua, việc làm sản xuất của gia đình chủ yếu theo kinh nghiệm cá nhân là chính.  Hiệu quả kinh tế vườn cây thì năm được mùa, năm mất mùa nên ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của gia đình.

Đào tạo nghề – chìa khóa giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông

Đào tạo nghề nông nghiệp luôn được các cấp, ngành tỉnh Đắk Nông quan tâm
Mới đây, anh đã đăng ký tham gia lớp học nghề nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- GDTX huyện tổ chức. Lớp học tuy ngắn nhưng anh và 30 học viên khác đã biết cách chăm sóc hồ tiêu, cà phê sao cho hiệu quả. Ngoài những kiến thức về phòng, chống bệnh, thu hái, bảo quản, các học viên còn được tiếp cận với phương pháp sản xuất hồ tiêu, cà phê hữu cơ, chế biến tiêu hoặc phương pháp chiết, ghép, lai tạo giống…
Đào tạo nghề – chìa khóa giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông

Đào tạo nghề luôn được lãnh đạo tỉnh Đắk Nông quan tâm

“Các kiến thức được giáo viên truyền tải rất dễ hiểu, chúng tôi có thể ứng dụng ngay vào vườn sản xuất của gia đình. Bản thân tôi mong muốn, sắp tới sẽ có thêm các lớp học nghề để bà con nhân dân trong xã có điều kiện theo học”, anh Hiệp bày tỏ.
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện Cư Jút, mỗi năm đơn vị tổ chức khoảng 13 – 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có khoảng 50% là các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Thông qua các khóa đào tạo nghề dưới 3 tháng hoặc sơ cấp, học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất, bảo quản, thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Trong quá trình đào tạo, trung tâm còn hỗ trợ, liên kết với các đơn vị cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện cho các học viên tự tin sản xuất. Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức giới thiệu việc làm, tạo cơ hội để học viên tiếp cận với các thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Lãnh đạo Sở Lao động- Thương Binh và Xã hội Đắk Nông thông tin, nông nghiệp là thế mạnh, liên quan đến trên 80% dân số của tỉnh. Do đó, đào tạo nghề nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm nhằm nâng cao kỹ thuật cho bà con.
Các lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đã trở thành “chìa khóa” để bà con nông dân địa phương ứng dụng kỹ thuật, giống, công nghệ mới, kết nối phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.  Đồng nghĩa với điều này khi người dân nắm vững kỹ thuật, có kiến thức về hạch toán sản xuất thì sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững.
…Đến đa dạng hóa đào tạo lao động
Trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, Đắk Nông đang đa dạng hóa ngành nghề đào tạo cho lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đắk Nông có 15 cơ sở, đơn vị có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, 6 cơ sở GDNN gồm: Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông; Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Phương Nam; 4 trung tâm đào tạo lái xe ô tô.
Hàng năm, các cơ sở GDNN của Đắk Nông tuyển sinh khoảng 5.000 – 6.000 người trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Lĩnh vực đào tạo nghề đa dạng cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Về cơ cấu ngành nghề đào tạo các trường công lập đào tạo đủ các nhóm nghề như nông nghiệp, dịch vụ, kỹ thuật và công nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh còn có 9 đơn vị có chức năng hoạt động GDNN, trong đó chủ yếu đào tạo lao động ở trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

 

Từ năm 2021 đến nay, Đắk Nông có 26.032 người được đào tạo nghề. Ước tính giai đoạn 2021-2025, tỉnh đào tạo nghề cho 27.167 người, vượt 36% kế hoạch; tạo việc làm cho 94.283 lượt người, vượt 5% kế hoạch

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông đánh giá: “Mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh cơ bản tinh gọn, hoàn thiện, phủ khắp các huyện, thành phố. Các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng, đa dạng hóa ngành, nghề và trình độ, loại hình đào tạo… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh”.
Nhiều năm qua, Đắk Nông luôn chú trọng dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo để đáp ứng thị trường lao động. Khảo sát nhu cầu học nghề đóng vai trò quan trọng, giúp Đắk Nông xác định các ngành nghề cần thiết cho thị trường lao động.
Qua đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Các cơ sở GDNN cũng được yêu cầu kiểm soát các nghề có đủ điều kiện giảng dạy, từ đó báo cáo năng lực và nhu cầu đào tạo của mình.
Đào tạo nghề – chìa khóa giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông
T
Các cơ sở GDNN của Đắk Nông tăng cường gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đắk Nông cho biết: “Hầu hết các cơ sở GDNN đều có mối quan hệ liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành nghề nghiệp. Các cơ sở GDNN kết hợp giới thiệu cho doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp”.
Tỷ lệ lao động Đắk Nông qua đào tạo có việc làm đạt từ 80 – 85%. Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm trên 90%. Lao động nông thôn có việc làm đạt từ 75 – 80%; đào tạo xã hội hóa 100%.
Đắk Nông tích cực đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Các chiến lược về giáo dục nghề nghiệp và chương trình hỗ trợ tạo việc làm giúp tạo ra những cơ hội làm việc mới, nâng cao cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

                                                                                                                     Tuấn Nghĩa

Bài Viết Liên Quan

Back to top button