“Đánh thuế” đầu tư vàng?
Khi các phương pháp điều tiết thị trường vàng hiện tại vẫn chỉ được xem là tạm thời, thì các công cụ thuế đối với giao dịch tài sản này đang được nhắc tới.
Trong hơn 1 tháng, giá vàng đã có những cú đảo chiều ngoạm mục. Đối với thị trường trong nước, giá vàng miếng thương hiệu SJC trong nước đã tăng 22% từ đầu năm đến nay lên mức cao kỷ lục mới 92,4 triệu đồng mỗi lượng vào đầu tháng 5 và mở rộng khoảng cách với giá vàng thế giới, từ đó tạo áp lực thêm lên tỷ giá.
Những “cú rơi” có lợi tạm thời
Qua hàng loạt biện pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNNNHNN) bao gồm tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng, kế đến thay đổi phương án phân phối vàng qua 4 NHTMNN và SJC với giá thấp, thị trường đã được tác động về giá. Với giá bán được NHNN thiết lập và thêm một khoản phí nhỏ để bù đắp chi phí logistics, lượng bán hạn chế mỗi người mua và chỉ người mua cá nhân đủ điều kiện, giá vàng miếng SJC đã về gần sát giá vàng quốc tế. Khoảng cách giá giữa vàng miếng thương hiệu SJC và vàng toàn cầu cũng thu hẹp xuống mức thấp nhất trong 3 năm chỉ còn 6,5 triệu đồng mỗi lượng vào tuần trước so với 20 triệu đồng mỗi lượng vào tháng trước.
Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN) nhận định, bước đầu có thể thấy cách tiếp cận mới của NHNN đã phát huy tác dụng khi cung ứng được số lượng lớn hơn (so với đấu giá trước đó) và quan trọng nhất là thu hẹp đáng kể được chênh lệch giữa giá vàng giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Cùng với đó, giá vàng thế giới giảm 3,5% xuống mức thấp nhất trong một tháng vào cuối tuần qua sau khi có báo cáo cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã không bổ sung vàng vào kho dự trữ 2.260 tấn của mình vào tháng 5/2024, dường như kết thúc chuỗi 18 tháng liên tục tích lũy. Diễn biến mới này vì vậy giúp NHNN có lợi thế sau nhiều tháng cố gắng ổn định thị trường vàng trong nước.
Thị trường vàng tạm thời hạ nhiệt giúp giảm bớt áp lực về tỷ giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia MSVN, đây vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn trong thời gian tới và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của giá vàng thế giới vì nếu tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới tăng vẫn lớn, nhu cầu mua vào của người dân vẫn sẽ ở mức cao (đặc biệt khi chênh lệch giá đã thu hẹp). Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho khả năng cung ứng vàng của NHNN trong giai đoạn tới.
Giải pháp dài hạn
Với lo ngại về biến động của thị trường, đằng sau là nhiều lực đẩy, khiến trong bất kỳ lúc nào loại hàng hóa dễ thay đổi cũng có thể ảnh hưởng, xáo trộn thị trường, thậm chí là an ninh tiền tệ quốc gia, các chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là phải sửa Nghị định 24/2012 với các nội dung về quản lý thị trường vàng.
Trong khi yếu tố “thương hiệu vàng miếng quốc gia” được đón nhận nhiều ý kiến khác nhau về việc “xóa bỏ độc quyền”, hay giữ nguyên một thương hiệu và có cơ chế mở rộng nhập khẩu vàng… thì ở góc độ công cụ thuế, các chuyên gia cần phải nghiên cứu đánh giá và sử dụng để điều tiết, can thiệp thị trường.
Theo PGS TS Võ Đình Trí, giảng viên tài chính IPAG Business School Paris (Pháp), một cách phổ biến để tác động giảm nhu cầu một loại tài sản nào đó là thông qua công cụ thuế. Hiện nay ở Việt Nam, lợi nhuận từ đầu tư vàng, cũng được coi là lợi nhuận từ vốn vẫn chưa bị đánh thuế. Trong khi đó, các hình thức đầu tư có lợi nhuận khác bị đánh thuế như chứng khoán, bất động sản. Việc đánh thuế lợi nhuận, hay thậm chí thuế thừa kế như ở một số quốc gia khác sẽ buộc người dân phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các loại tài sản khác nhau để phân bổ.
“Ngay cả trong trường hợp nhu cầu cao bất thường thì chính phủ cũng có thể tăng các loại thuế như nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để hạn chế bớt nhu cầu. Tuy nhiên cùng với chính sách này là phải kiểm soát được thị trường chợ đen”, PGS.TS Võ Đình Trí chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu quan điểm tại hội thảo về quản lý vàng do NHNN tổ chức mới đây, rằng cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế với vàng. Giải pháp này có thể chuyển hướng dòng tiền đầu tư của người tiêu dùng, và công bằng hơn trong thị trường.
Nêu giải pháp cụ thể hơn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội cho rằng, đánh thuế vàng có thể xem xét theo phân lượng và mục đích mua. Người dân mua tích lũy như tài sản, số lượng ít có thể được miễn thuế, lưu ký vàng tại NHNN; nhóm mua số lượng lớn, có tính đầu cơ để phân phối lại, chờ “lướt sóng” thì phải đánh thuế vàng cao…
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cũng nhấn mạnh rằng, hiện chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế khi quy đổi vẫn cao. Người dân mua vàng theo giá chênh lệch này vẫn chịu giá cao nên chỉ khi nào có giải pháp để giá vàng về tới sát giá thế giới và liên thông theo giá thế giới, thì giải pháp thu thuế vàng mới nên tính đến.
“Dù giá vàng biến động theo giá quốc tế cao hay thấp, thì biên độ nên chỉ tính trong vài trăm ngàn đồng sau khi đã tính đủ các loại thuế phí (tương tự như khoảng cách trước 2012), như vậy thì việc “đánh thuế” đầu tư vàng mới thực sự công bằng”, ông Hiển khẳng định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn